Sáng 11/3, Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
>>Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
“Thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Những tín hiệu sôi động hơn của thị trường bất động sản vừa qua là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ngành địa ốc đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thị trường và các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước.
Tình hình khó khăn này bắt đầu từ cuối năm 2022 và tiếp tục kéo dài đến thời điểm hiện nay, tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế. Cụ thể, nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn trong triển khai do phải tạm dừng, giãn hoặc hoãn tiến độ, đồng thời cũng gặp khó trong việc huy động nguồn vốn.
>>Đề xuất công bố chi tiết dự án bất động sản trên hệ thống thông tin địa phương
Bên cạnh đó, sức mua và thanh khoản trên thị trường giảm mạnh, và nguồn cung cho thị trường hạn chế, dẫn đến việc giá nhà ở tăng đột ngột, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân. Tình trạng khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến ngành bất động sản mà còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác, gây thách thức đối với an sinh, an ninh và trật tự xã hội.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý trong nhiều lĩnh vực như đất đai, quy hoạch; hay vấn đề nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu; đồng thời việc giải quyết đề xuất của doanh nghiệp của các cơ quan chức năng còn chậm trễ.
Trước những khó khăn trên, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua 05 Luật; Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền 05 Nghị định và các Bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Về phía các địa phương, đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành giao, đôn đốc, hướng dẫn; đồng thời, tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực bất động sản, cho các dự án bất động sản trên địa bàn.
Giải pháp trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục tập trung triển khai hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Các Bộ, ngành, đia phương cũng tiếp tục chủ thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ thị, công điện, thông báo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Cùng với đó, Bộ Xây dựng được giao tập trung khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Chính phủ trong tháng 5/2024.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động của Tổ Công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6/2024;
Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và triển khai hiệu quả "Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng"; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản.
Về phía NHNN, sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản.
NHNN cũng tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến các dự án bất động sản của doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh cơ chế hỗ trợ chương trình theo hướng tái cấp vốn.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất công bố chi tiết dự án bất động sản trên hệ thống thông tin địa phương
05:00, 11/03/2024
Bộ Xây dựng bỏ đề xuất cá nhân chỉ được mua bán tối đa 5 căn nhà/năm
11:07, 05/03/2024
Bộ Xây dựng: Căn hộ chung cư tăng giá trong khi đất nền giảm
18:04, 12/01/2024
Bộ Xây dựng: Tiếp tục gỡ vướng cho các dự án bất động sản
13:24, 22/12/2023
Bộ Xây dựng kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại Vũng Tàu, Phú Thọ, Phú Yên
01:00, 20/12/2023