Việt Nam được xem như một trung tâm tiềm năng của ngành bán dẫn toàn cầu. Nhưng để mở khóa lĩnh vực này, cần chuẩn bị nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) vốn còn tồn tại nhiều “nút thắt”.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, tương ứng với 1,1% tổng số lao động, theo báo cáo DxReports của FPT Digital được công bố mới đây. Đáng lo hơn, chỉ có khoảng 30% trong số đó đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc.
>>Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
Thực trạng vừa thiếu vừa yếu được các chuyên gia quốc tế thừa nhận và cho rằng nhân sự trẻ Việt Nam còn một khoảng cách nếu so sánh với mặt bằng chung của thế giới.
“Không chỉ kỹ năng mềm và kỹ năng thực tiễn, thậm chí có những thứ cơ bản mà các sinh viên mới ra trường vẫn chưa thuần thục, vẫn phải đào tạo thêm. Thực trạng đó diễn ra ngay cả ở những trường đại học hàng đầu của Việt Nam”, bà Trần Phương Trà, PGS Quản trị Chiến lược, Giám đốc chương trình MBA tại Trường Kinh doanh IPAG (Pháp) cho biết.
Như trong bảng xếp hạng Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á có yếu điểm là “thiếu nhân sự lành nghề”. Trong khi đó, vấn đề của Singapore, Malaysia, Thái Lan hay Indonesia là chi phí, nguồn vốn hay cơ sở hạ tầng.
“Điểm mạnh về con người Việt Nam là độ nhanh nhẹn, thế nhưng khi nhìn sâu vào năng suất và trình độ thì đây lại là hai điểm yếu của Việt Nam nói chung, ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh. Đó là những lực cản đối với năng lực ĐMST của Việt Nam”, bà Trà, người cũng là Giám đốc Mạng lưới Chính sách Kinh tế của AVSE Global, nhận xét.
Không chỉ vậy, vị chuyên gia đánh giá kỹ năng mềm của nhân sự trẻ Việt Nam đang ở mức “rất yếu”, không chỉ trong các ngành đổi mới sáng tạo mà còn ở những lĩnh vực khác. Kĩ năng quản lý công việc, thành thục các công cụ hỗ trợ hay thái độ là những vấn đề đáng lo ngại được những chuyên gia quốc tế đưa ra.
“Qua thực tiễn làm việc, tôi nhận thấy có nhiều sinh viên Việt Nam khá thụ động trong công việc thực tiễn, ngại giao tiếp học hỏi hơn so với sinh viên quốc tế. Thậm chí, một số bạn thiếu những kỹ năng cơ bản trong công việc dù đều là những sinh viên hàng đầu của trường”, chuyên gia truyền thông từ một tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam cho biết.
Việt Nam có những tầm nhìn lớn về nhân sự các ngành công nghệ cao, như kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn 2045. Lãnh đạo tập đoàn Nvidia của Mỹ, Jensen Huang, cũng muốn hợp tác đào tạo 1 triệu chuyên gia AI trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.
Để đạt được các mục tiêu tham vọng đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cần bắt tay ngay vào đổi mới và tăng tốc hơn nữa các sáng kiến xây dựng nhân lực.
PGS Trần Phương Trà cho rằng, Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm củng cố mối liên kết giữa trường Đại học và Doanh nghiệp. Đây là mô hình đã được chứng minh hiệu quả trên thế giới, như giúp Đức xây dựng ngành công nghiệp trứ danh kể từ khi lần đầu áp dụng vào năm 1810.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, PGS Trần Phương Trà cho rằng hiện mới chỉ có TP.Hồ Chí Minh thực hiện mô hình này tương đối hiệu quả. Do đó, bà cho rằng cần có thêm sự phối hợp giữa các bên, các địa phương để đẩy nhanh các bước trong mô hình này - từ hợp tác R&D, trao đổi nhân sự, thương mại hóa, xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, cho tới phát triển doanh nghiệp và quản trị.
Sự giúp sức từ các doanh nghiệp trong ngành trong quá trình đào tạo thực tiễn cũng là điều quan trọng không kém, giúp sinh viên rút ngắn quá trình bắt nhịp công việc sau khi ra trường.
“Từ năm thứ 3 trở đi, khoảng 80% các bạn sinh viên ở Pháp đi theo mô hình vừa học vừa làm tại các doanh nghiệp, với tỷ lệ lên tới 50 – 50. Do đó, khi ra trường các sinh viên nước ngoài bắt nhịp rất nhanh, bởi họ đã hình dung được những công việc hàng ngày của mình rồi”, bà Trà cho biết.
Trong mô hình này, vai trò của các tổ chức nghiên cứu và chuyên gia nước ngoài cũng có thể đóng vai trò quan trọng, thông qua các khóa đào tạo bổ sung chuyên sâu và cô đọng trong thời gian 3-6 tháng.
>>Khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn
Giải pháp thứ hai, Việt Nam nên thu hút thêm ngân sách dành cho đầu tư, cả từ khối tư nhân và Nhà nước.
Chi tiêu cho R&D của nước ta hiện là 0,25% GDP; thấp hơn đáng kể so với Singapore (2,4%), Malaysia (1,3%) hay Thái Lan (0,7%). Trong khi đó, chi phí để phát triển ngành ĐMST nói chung là cực kỳ tốn kém, kể cả với những nền kinh tế lớn. Do đó, các chuyên gia khẳng định sự huy động nguồn lực và định hướng của nhà nước là vô cùng quan trọng.
Nguồn tài chính đó cũng có thể được san sẻ khi Việt Nam có thêm những chính sách khuyến khích các Quỹ Đầu tư Rủi ro (VC) tư nhân trong và ngoài nước tham gia hơn nữa. Giá trị đầu tư của VC vào ĐMST của Việt Nam hiện nay vào khoảng 1 tỷ USD, bằng 1/8 so với Singapore.
Ngoài chính sách, theo bà Trà, bản thân các doanh nghiệp/ startup cũng phải tự nâng tầm của mình để thu hút thêm vốn,.
“ĐMST Việt Nam nên tìm “chìa khóa” để giải những bài toán lớn mà Việt Nam đang đối mặt để có thể đặt dấu ấn của mình ở quốc tế, như thách thức của đô thị hay biến đổi khí hậu. Tôi cho đó sẽ là những lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh với quốc tế, và sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài hơn là chỉ chú trọng vào thương mại điện tử hay fintech – những lĩnh vực nhiều quốc gia đã dẫn đầu”, bà Trà cho biết.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu xây dựng đội ngũ công nghệ chất lượng cao, Việt Nam cũng nên đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, như truy cập Internet tốc độ cao, xây dựng các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm và mạng lưới giao thông. Những yếu tố này sẽ đóng vai trò bổ trợ cần thiết cho sự đổi mới phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Cạnh tranh Mỹ - Trung đang thúc đẩy đổi mới
05:00, 12/08/2023
Thế giới biến đổi và áp lực thích ứng, đổi mới
01:00, 09/09/2022
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam "mở khóa" trí thức người Việt tại châu Âu
14:07, 12/12/2023
Khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn
12:00, 26/11/2023
"Cơn ác mộng" với ngành bán dẫn
04:20, 10/11/2023