Vụ bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn tại các khu chung cư.
Hình ảnh bé gái 3 tuổi vắt vẻo ngoài lan can tầng 12
Vụ việc bé gái 3 tuổi trèo qua ban công tầng 12 tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), treo mình lơ lửng rồi rơi xuống là "giọt nước tràn ly" cảnh báo sự nguy hiểm đối với cư dân khi lại gần ban công ở các khu chung cư.
Thật kỳ diệu và may mắn, bé gái đã thoát chết trong gang tấc khi được người thanh niên Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh, Hà Nội) ở phía dưới đỡ kịp thời.
Đây không phải là lần đầu xảy ra trường hợp trẻ con rơi từ tầng cao của các tòa nhà chung cư, mà trong thời gian dài vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm.
Mới đây, vào cuối tháng 8/2020, cũng trên địa bàn Hà Nội, một bé gái 6 tuổi tử vong do rơi từ tầng 12 của toà chung cư ở phường Trung Hoà (Cầu Giấy) xuống đất.
Trước đó 1 năm, trong khi bố mẹ không có nhà, bé gái 4 tuổi sống tại tầng 25 của tòa chung cư Star Tower số 283 phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã rơi từ ban công xuống đất và tử vong trên mái che tầng 1.
Còn trong tháng 3/2019, một bé trai 4 tuổi đang chơi đùa ngoài khu vực ban công tầng 3, tòa nhà Rice City, khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất ngờ rơi xuống đất và tử vong trên đường đi cấp cứu…
Nếu với trẻ con, có thể lý giải do các bé chưa hiểu chuyện, chưa biết gì nên leo trèo rồi ngã. Thế nhưng hầu hết nạn nhân ngã từ chung cư xuống đất lại lại những nam thanh niên hay người trung niên.
Nhiều lan can chung cư rất thấp, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể rơi ngã.
Đáng nói, hầu hết những vụ rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong đều không phải là tự tử, mà chỉ do sơ ý nên té xuống. Điều này cho thấy ban công tại các chung cư cần xem xét lại về độ an toàn.
Bên cạnh những chung cư có ban công an toàn, vẫn còn không ít các chung cư mà lan can thường không có lưới bảo vệ, che chắn, hoặc những khe sắt ở lan can ban công, cửa sổ có độ rộng khiến trẻ dễ dàng chui lọt. Hay những giếng trời, cầu thang có sự nguy hiểm không chỉ đối với trẻ con mà cả người lớn...
Trẻ nhỏ, nhất là với trẻ đang độ tuổi tiểu học, mẫu giáo thường hiếu động, chúng có thể nghịch bất cứ trò dại dột nào nếu không được người lớn quan tâm, giám sát hay để ý. Và thực tế, ở các khu chung cư, nhiều trẻ nhỏ đã tử vong vì bắc ghế đứng trên ban công để với đồ vật, thậm chí trèo qua lan can chỉ là để thỏa mãn tò mò…
Còn nhớ cách đây chưa lâu, một giảng viên đại học tại TP Hồ Chí Minh đã tử vong do rơi từ tầng cao chung cư xuống dưới đất. Sau vài tháng điều tra, nghiên cứu, cơ quan công an xác định đây là tai nạn chứ không có bất cứ dấu hiệu nào của một vụ án giết người. Theo kết luận này, chẳng phải lan can ở nơi này chưa thật sự an toàn đến mức người lớn bất cẩn cũng có thể rơi được chứ chưa nói đến trẻ nhỏ.
Được biết, Việt Nam đã có những quy định về lan can, lô gia và ban công để hạn chế những tai nạn như đã nói ở trên.
Cụ thể, năm 2008, Bộ Xây dựng bang hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam- Nhà ở và công trình công cộng- an toàn sinh mạng và sức khoẻ (QCXDVN 05 : 2008/BXD)
Theo quy chuẩn này, lan can phải đạt tiêu chuẩn: Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo các yêu cầu sau : Khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô- gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên thì chiều cao tối thiểu là 1,4 mét. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác là từ 0,9 mét đến 1,1 mét.
Ngoài ra, Quy chuẩn còn quy định: Lan can phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang quy định trong Quy chuẩn liên quan. Không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. Nếu sử dụng kính ở các lan can, còn cần tuân thủ: Không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75 mm; lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.
Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can) và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm.
Ngoài ra, khi nhà có trẻ em dưới 5 tuổi phải bỏ kết các vật dụng không cần thiết, cần sử dụng lưới thép để rào chắn lan can, cửa sổ.
Tại TCXDVN 323: 2004 “Nhà ở cao tầng - tiêu chuẩn thiết kế” quy định: Từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia. Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m.
Như vậy có thể thấy những quy định liên quan đến thiết kế xây dựng ban công hay lô gia đều được quy định khá chặt chẽ, chi tiết. Tuy nhiên, khi tiến hành thi công, xây dựng, không ít chủ đầu tư vì lợi ích riêng đã phớt lờ quy định. Và người dân sống trong chính chung cư là những người có nguy cơ chịu hậu quả lớn nhất khi tai nạn xảy ra.
Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần cấp tập vào cuộc, rà soát, xem xét lại thiết kế tại các chung cư để đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống tại các tòa nhà này. Những công trình không đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn trong xây dựng là trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị xây dựng và phải có chế tài xử phạt thật nặng nếu sai quy định.
Và, trước khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì mỗi gia đình cần tự bảo vệ con em mình để tránh các hiểm họa không mong muốn bằng cách lắp thêm lưới chắn, nan cửa sổ hay ban công, cầu thang...; Dọn dẹp, tránh kê, lắp những đồ đạc dễ leo trèo như ghế, bàn nước ở ban công để hạn chế việc con em lên đó để leo qua ban công hay cửa sổ.
Có như vậy mới hạn chế được những sự việc đáng tiếc, đau lòng có thể xảy ra!
Những tiêu chuẩn an toàn cần thực hiện ở các tòa chung cư
Như vậy, bên cạnh các giải pháp mang tính kỹ thuật như những quy chuẩn về xây dựng, sự giám sát của bố mẹ, người chăm sóc trẻ rất quan trọng để đảm đảm an toàn khi trẻ em sống trong các tòa nhà cao tầng, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. |
Có thể bạn quan tâm
11:23, 02/03/2021
07:00, 02/03/2021
20:02, 01/03/2021
13:44, 01/03/2021