Các chuyên gia khẳng định, để doanh nghiệp Việt có thể tận dụng được những lợi thế mà CPTPP mang lại thì Việt Nam cần thay đổi chính sách.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) gồm 11 quốc gia, vừa chính thức có hiệu lực vào ngày cuối năm (30/12/2018), tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế thế giới.
Doanh nghiệp Việt phải đối mặt ở áp lực cạnh tranh lớn
Nhận định về cơ hội của doanh nghiệp Việt trong sân chơi lớn mang tên CPTPP, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đánh giá, hiện nay, bước vào hiệp định, các ngành có lẽ có lợi nhất là giày da, dệt may, nông lâm thủy sản… Nếu đẩy mạnh được vấn đề công nghệ cao trong nông nghiệp, bảo quản và xử lý nông sản, chế biến sau thu hoạch… thì ngành nông nghiệp sẽ có được những phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia ở trong khối cũng như ngay tại Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Mỗi ngành, nghề lại có mức độ và thời gian hội nhập khác nhau, do đó, các doanh nghiệp phải tự mình tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định có liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình. Nếu doanh nghiệp không nhận thức được thì doanh nghiệp chết ngay.
Ông Thịnh cũng nêu quan điểm rằng các doanh nghiệp cũng cần phải tự đổi mới mình bằng cách cơ cấu lại sản xuất, để từ đó có được những hiệu quả sản xuất cao nhất, thì mới có thể cạnh tranh được.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 31/12/2018
21:50, 05/12/2018
09:30, 01/01/2019
13:15, 30/12/2018
Thay đổi từ tư duy
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội khẳng định, để doanh nghiệp có thể tận dụng được những cơ hội mà CPTPP mamg lại, cơ quan chức năng bắt buộc phải thay đổi về thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
“Đây cũng là cơ hội để cơ quan nhà nước thay đổi tư duy và hành động, thu hút được các nguồn lực từ doanh nghiệp vào nước ta”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo quan điểm của ông Mạc Quốc Anh, các hiệp hội phải là nơi tập hợp được khó khăn của doanh nghiệp dể mời các chuyên gia, báo chí và cơ quan chức năng đối thoại định kỳ. Hiệp hội cũng phải là kênh liên kết của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, thậm chí là kênh phản biện chính sách của cơ quan chức năng.
Thêm quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng Chính phủ cần phải phổ biến, cập nhật những kiến thức về hiệp định CPTPP nói riêng và các hiệp định khác cho doanh nghiệp.
“Bộ Công Thương nên đưa ra một cẩm nang về các điều khoản cam kết, thời gian thực hiện, mức độ thực hiện của từng ngành để doanh nghiệp mở ra là biết. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với những doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đơn giản hơn trong việc tiếp cận vốn, thị trường. Chính phủ cũng nên đứng ra gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau thông qua việc giúp đỡ các hiệp hội. Các hiệp hội nên là do doanh nghiệp đóng góp, và hiệp hội nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng cần đẩy mạnh chính sách thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Hiện nay, mức thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn như với doanh nghiệp lớn. Chúng ta mong muốn đẩy thuế thu nhập doanh nghiệp còn khoảng 15-17% thôi nhưng mãi vẫn không làm được. Đây là bài toán chúng ta cần sớm làm để doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập”, ông Thịnh nói.
CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 11 quốc gia thành viên trong sân chơi CPTPP hy vọng hiệp định này sẽ giúp đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang vướng vào một cuộc chiến thương mại. Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP để tạo điều kiện cho thỏa thuận này đi vào hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1/2019 và Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế. Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. |