Lập trường của Mỹ về các yêu sách hàng hải tại Biển Đông mới được công bố cho thấy sự chuyển hướng đáng kể trong chính sách của Washington với vấn đề Biển Đông.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được phát trên website Bộ Ngoại giao Mỹ rạng sáng 14/7 khẳng định: "Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi đang tăng cường chính sách của Mỹ trong một phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực ấy Biển Đông. Chúng tôi đang làm rõ một điều: Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như là chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: "Cách tiếp cận của Bắc Kinh đã rõ ràng suốt nhiều năm qua. Năm 2010, ngoại trưởng Trung Quốc khi ấy Dương Khiết Trì đã nói với các đồng cấp ASEAN rằng ‘Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế. Thế giới của kẻ săn mồi trong quan điểm của Trung Quốc không có chỗ trong thế kỷ XXI".
Ông Pompeo cũng khẳng định: Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình trong khu vực. "Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách "đường chín đoạn" ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đó vào năm 2009. Trong một quyết định có sự thống nhất ngày 12-7-2016, một tòa trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, cho đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế". - ông nói.
Bình luận về động thái này, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích cấp cao về quốc phòng tại Rand Corp cho rằng tuyên bố đánh dấu bước ngoặt so với các chính sách trước đây của Mỹ: “Lập trường truyền thống là Mỹ không công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với 90% Biển Đông, nhưng Washington không chính thức đưa ra lập trường với từng tuyên bố cụ thể”.
Đồng quan điểm, nghiên cứu viên cao cấp của Heritage Foundation, ông Dean Cheng cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ “nhắc lại, nhưng bây giờ rõ ràng và ở dạng tài liệu, lập trường lâu đời của Mỹ rằng yêu sách của Trung Quốc với Biển Đông về “đường chín đoạn” là quá đáng, không có vị thế quốc tế, không có chỗ đứng về pháp lý quốc tế và không được Mỹ chấp nhận”.
Theo ông Cheng, với tuyên bố này, Mỹ đã báo hiệu rằng họ “không chấp nhận các phiên bản tranh chấp của Trung Quốc với không chỉ Philippines, mà cả Malaysia. Tương tự như vậy, họ không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với không chỉ quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà cả bãi cạn Scarborough”.
Có thể nhận thấy, lập trường của Mỹ về các yêu sách hàng hải tại Biển Đông mới được công bố cho thấy sự chuyển hướng đáng kể trong chính sách của Washington với vấn đề Biển Đông. Theo giới chuyên gia, với tuyên bố mới nhất này, chính quyền Tổng thống Donald Trump không chỉ đơn giản bác bỏ những yêu sách của Bắc Kinh mà còn ám chỉ rằng các quốc gia khác trong khu vực có quyền lợi lớn hơn nhiều đối với những vùng biển được đề cập.
Daniel Markey, giáo sư nghiên cứu cao cấp về quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Johns Hopkins, cho rằng tuyến bố này có thể là phản ứng thích hợp với các hành động gây hấn của Trung Quốc trên khắp châu Á, bao gồm cả ở Biển Đông.
Mục đích chủ yếu là “để cho khu vực – bao gồm cả Trung Quốc thấy rằng Mỹ không bị phân tâm hay vướng bận bởi đại dịch đến mức họ không thể nhận ra và phản ứng với ‘chiêu vặt’ của Bắc Kinh”, ông Markey nói.
Theo đánh giá của giới quan sát, tuyên bố lúc rạng sáng ngày 14/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể mở đường cho những chỉ trích mạnh mẽ hơn đối với các hành vi quấy rối của Trung Quốc tại các vùng biển trong khu vực. Đồng thời, tuyên bố cũng sẽ gây áp lực lên các nước châu Âu, buộc họ không thể mãi chọn giải pháp im lặng, đứng lên nói lên tiếng nói ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ thay vì “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.
Có thể bạn quan tâm
16:39, 14/07/2020
07:39, 14/07/2020
09:44, 11/07/2020
06:30, 08/07/2020
05:00, 08/07/2020
11:37, 07/07/2020