Thay đổi tư duy truyền thông du lịch

MINH CHÂU 15/07/2024 02:30

Trong thời đại kỉ nguyên số, hành vi tiêu dùng của du khách thay đổi, định hướng phát triển du lịch của từng địa phương cũng buộc phải thay đổi theo.

>>Đánh thức du lịch đường sắt

Đó là chia sẻ của bà Nhữ Thị Ngần - Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Hà Nội – Hanoi Toursm JSC với DĐDN.

- Những năm gần đây, trên truyền thông, trên các ấn phẩm quảng bá về du lịch, hay các sự kiện lớn nhỏ của các tỉnh thành địa phương trên cả nước, chúng ta thường hay nghe nhắc đến cách thức định vị lợi thế cạnh tranh về du lịch với sự so sánh “là một Việt Nam thu nhỏ” hoặc so sánh với một vài địa danh nổi tiếng khác. Bà nghĩ sao về quan điểm này?

Trước đây, cách truyền thông này có giá trị giúp các địa phương chưa phát triển nương theo thương hiệu của các địa danh nổi tiếng. Giúp cho du khách và các nhà đầu tư hình dung nhanh hơn về đặc điểm địa thế, tài nguyên, giá trị của địa phương mình.

Tuy nhiên, Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ rõ mục tiêu: “Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững”. Trong số các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, thì giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đã nhấn mạnh các yếu tố “tập trung phát triển sản phẩm du có chất lượng, đa dạng, khác biệt, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam”. Đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19 thì toàn bộ hành vi tiêu dùng, xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách đã hoàn toàn thay đổi.

Khi các địa phương cùng bắt chước hàng loạt và tự nhận mình là “Việt Nam thu nhỏ” hay ví như một địa danh nào đó nổi tiếng, thì vô tình khiến cho du khách loại bỏ điểm đến của chúng ta ngay từ khi tiếp cận với thông tin truyền thông. Tiếp cận ở góc độ tổng thể về nhận diện hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia, thì trong Việt Nam có rất nhiều “Việt Nam thu nhỏ”, vậy yếu tố về sự khác biệt, phong phú, đa dạng của nền văn hóa 54 dân tộc anh em của Việt Nam đã không còn giá trị nữa. Cách truyền thông này sẽ khó tạo động lực để du khách quay trở lại Việt Nam một lần nữa, vậy khi đó làm sao chúng ta đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững khi mà khách một đi không trở lại?

 Gắn kết các địa phương lại với nhau thành một bức tranh về Việt Nam đa sắc màu là điều cốt lõi và quyết định sức hấp dẫn của điểm đến.p/(Du khách khám phá TP Đà Lạt bằng xe buýt mui trần. Ảnh:p/B.Hân)

Gắn kết các địa phương lại với nhau thành một bức tranh về Việt Nam đa sắc màu là điều cốt lõi và quyết định sức hấp dẫn của điểm đến. (Du khách khám phá TP Đà Lạt bằng xe buýt mui trần. Ảnh: B.Hân)

- Theo bà, đâu là “chìa khóa” mở “cánh cửa” nhận diện hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam?

Trong phát triển du lịch bền vững, thì việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tìm ra những giá trị riêng biệt cho từng địa phương, để gắn kết các địa phương lại với nhau thành một bức tranh về Việt Nam đa sắc màu, đa văn hóa, đa trải nghiệm… là điều cốt lõi và quyết định sức hấp dẫn của điểm đến.

Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên tài nguyên độc đáo, mang tính đại diện của điểm đến. Nó là sự kết hợp giữa tài nguyên du lịch và các nguồn lực riêng có của địa phương (cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật, dịch vụ lưu trú, ẩm thực, nguồn nhân lực, hướng dẫn viên…) để tạo nên một sản phẩm “không đâu sao chép được”.

Chính nguồn “nguyên liệu” đậm nét bản địa, thậm chí nguyên sơ, khó tìm sẽ là dấu ấn để lại ấn tượng mạnh trong lòng du khách, để mỗi chuyến đi đều là một lần du khách được đắm chìm trong trải nghiệm độc đáo hấp dẫn, thôi thúc du khách tiếp tục tò mò và lên lịch trình cho những hành trình sau, quay lại với trải nghiệm mới, nối tiếp nhau không bao giờ trùng lặp.

- Vai trò của doanh nghiệp được khẳng định như thế nào trong hành trình khai thác và phát huy những giá trị cốt lõi của du lịch, thưa bà?

Ở góc nhìn của một doanh nghiệp lữ hành quốc tế gần 20 năm kinh nghiệm, chúng tôi đã đồng hành cùng nhiều địa phương trên cả nước trong nhiệm vụ phát triển điểm đến, khác biệt hóa sản phẩm, tìm ra những giá trị riêng biệt đặc thù của mỗi địa phương trong du lịch.

Từ đó có những tư vấn và xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt, tạo ra định vị và nhận diện thương hiệu du lịch độc đáo cho từng địa phương, góp phần vào nhiệm vụ nâng tầm nhận diện du lịch quốc gia trên thị trường quốc tế. Chúng tôi cho rằng: mỗi vùng đất mang một giá trị riêng biệt, nét đẹp riêng biệt, sắc màu văn hóa không giống nhau, cảnh quan và con người đều là đại diện cho sức sống riêng của địa phương.

Do đó, chúng ta thay đổi tư duy tiếp cận, tư duy truyền thông về du lịch phù hợp hơn với hành vi tiêu dùng ngày một thông minh của du khách. Làm được điều này, chúng ta vừa tạo lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, vừa có thể liên kết các địa phương để nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam, chứ không triệt tiêu phủ nhận lẫn nhau.

Mong rằng, mỗi du khách đặt chân đến bất kì vùng đất nào của Việt Nam đều vỡ òa cảm xúc bởi sự khác lạ, cuốn hút và đầy hấp dẫn. Sau đó, họ sẽ lan tỏa cảm nhận này đến với gia đình, người thân, đồng nghiệp, với quốc gia của họ, để Việt Nam mãi mãi là một điểm đến hấp dẫn không bao giờ nhàm chán.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • 5 xu hướng du lịch đang lên

    5 xu hướng du lịch đang lên

    03:24, 10/07/2024

  • Huyện Côn Đảo phát triển du lịch xanh

    Huyện Côn Đảo phát triển du lịch xanh

    04:25, 09/07/2024

  • Liên kết các

    Liên kết các "mắt xích" quan trọng trong du lịch Việt

    04:22, 09/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thay đổi tư duy truyền thông du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO