Chỉ 8 tháng sau vụ cháy chung cư mini thảm khốc ở Khương Hạ (Thanh Xuân), người dân Hà Nội lại bàng hoàng chứng kiến thêm vụ hỏa hoạn thương tâm tại một nhà trọ ở quận Cầu Giấy…
>>Vẫn “phập phồng” nỗi lo “bà hoả”
Năm 2023, vụ cháy chung cư mini Khương Hạ khiến 56 người tử vong là một thảm họa kinh hoàng đã gây ám ảnh trong suốt thời gian dài. Vậy nhưng, chỉ 8 tháng sau, vào rạng sáng ngày hôm qua (24/5), lại xảy ra một vụ cháy nghiêm trọng ở phố Trung Kính giữa Thủ đô, cũng lại là nhà trọ và cũng có tới 14 mạng người bị cướp đi. Thông tin ban đầu xác định, vụ cháy bắt đầu khả năng do chập điện, do bình gas, bình khí của xưởng sửa chữa ở tầng 1 nổ nên áp lực của khu cháy đó rất lớn. Khu vực nhà ở vừa có xe máy của người dân ở đó, vừa có xe máy của xưởng sửa chữa.
Như vậy, lại thêm một vụ hoả hoạn thương tâm xảy ra với những nỗi đau và sẽ là nỗi ám ảnh kéo dài của không ít gia đình, không ít số phận. Xin không nhắc lại những nỗi đau quá lớn cho những ai xấu số vì hỏa hoạn. Tuy nhiên, từ đây vẫn còn nhiều điều đang khiến không ít người trăn trở. Đó là sau mỗi một sự cố xảy ra, chúng ta đều rút ra những bài học. Bài học lần nào cũng đau xót nhưng không hiểu vì sao có những nguyên nhân vẫn lặp lại?
Liệu chăng, những vụ hỏa hoạn thảm khốc đã qua có là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người đang sống? Hỏi vì sao giặc lửa liên tục ập đến và liên tục cướp đi những mạng người vô tội mà chưa có cách nào ngăn chặn? Hỏi vì sao nhiều nơi liên tục siết chặt, rà soát, kiểm tra… nhưng cháy vẫn… cháy?
Phải chăng quy định một đằng, thực hiện một nẻo, còn kiểm tra, giám sát theo một hướng riêng và hướng riêng đó là theo sự “thỏa ước” trong… kế hoạch (?)
>>Bàn giao nhà chưa đủ điều kiện PCCC: Khách hàng chịu rủi ro
Xin đừng tránh né và bảo rằng chúng ta (các cơ quan quản lý) đã làm hết trách nhiệm, đã kiểm tra, đã nghiệm thu chặt chẽ hệ thống phòng cháy chữa cháy. Luôn kịp thời nhắc nhở và xử phạt nghiêm minh các cơ sở kinh doanh vi phạm… Vậy thì sao vẫn còn có những vụ cháy kinh hoàng, cướp đi mạng sống của nhiều người như ở phố Trung Kính?
Và cũng thật khó hiểu khi trong vụ việc này đã có câu trả lời khá “hồn nhiên” của một vị lãnh đạo UBND phường rằng: “Chưa rõ cơ sở hoạt động mua bán sửa chữa xe cũ đã được đăng ký kinh doanh với quận hay chưa. Còn đợt kiểm tra gần nhất của phường cách đây 2 tháng đã đưa cơ sở này vào diện có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ do không đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy…”.
Vậy đã rõ, chính quyền địa phương đã kiểm tra, cũng đã phát hiện vi phạm, nhưng …cháy vẫn cháy (!?)
Tại sao như vậy? Báo chí, truyền hình đã viết, đã nói nhiều, rất nhiều nhưng nỗi đau từ hỏa hoạn vẫn không hề ngừng lại. Thậm chí vẫn không ai biết sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu? Chúng ta có lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, có hệ thống chính quyền ở từng khu phố, có những quy định pháp luật hết sức chặt chẽ, nhưng cháy cứ cháy và người cứ chết (!?)
Vẫn biết khó có thể phòng tránh tuyệt đối hỏa hoạn, nhưng sự việc liên tục xảy ra và gây thiệt hại nặng nề như thế thì cần phải có câu trả lời xác đáng: tại sao và ai chịu trách nhiệm?
Có thể bạn quan tâm