Nếu không cải tiến về khung pháp lý thì hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt không thể phát triển trên toàn quốc được.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt về vai trò và điều kiện để khu vực tư nhân có thể đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của nền kinh tế.
- Thời gian qua, Chính phủ và Trung ương Đảng rất nỗ lực để đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng đối với nền kinh tế thông qua việc ban hành Nghị quyết TW 10 và Chính phủ đã liên tục triển khai cắt giảm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, vây ông có nhận xét gì?
Chúng tôi đánh giá rất cao việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cởi trói cho doanh nghiệp. Đó là việc làm có tác động tích cực đối với sự phát triển các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
Theo dự báo, GDP năm 2019 tăng trưởng ở mức 7%. Theo đó, khi có những chính sách tốt, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, trong đó có thể kể đến như giảm thuế, cắt giảm điều kinh doanh, thủ tục thông thoáng, chắc chắn doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Ngoài ra, cùng với việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thì sự phát triển về số lượng doanh nhân năm 2020 khoảng 1 triệu doanh nghiệp, 2025 khoảng 1,5 triệu và 2030 dự kiến trên 2 triệu doanh nghiệp sẽ được hiện thực hoá.
Theo đó, dự kiến vào năm 2025 khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 50% GDP, và năm 2030 có thể đóng góp lên tới 60-65% GDP.
- Việc cắt giảm các thủ tục hành chính tác động thế nào tới doanh nghiệp?
Ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, nên cắt giảm cũng có giới hạn. Một số điều kiện phát triển kinh doanh trong thời kỳ mới thì Bộ Tài chính đang nghiên cứu cởi trói cho Ngân hàng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang khuyến khích ngân hàng đi đầu trong thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu không cải tiến về khung pháp lý thì hệ thống không dùng tiền mặt không thể phát triển trên toàn quốc được. Ví dụ như thiếu hệ thống pháp lý để ngân hàng là cánh tay nối dài hỗ trợ cho không dùng tiền mặt. Trong đó, liên quan đến hoạt động pháp lý cho ví điện tử, đang được Ngân hàng Nhà nước xem xét.
Ngoài ra, một số chính sách khác đã cởi trói như thủ tục để đăng ký, mở thêm điểm giao dịch, chi nhánh, một số điều kiện phát triển kinh doanh vĩ mô đã được NHNN cho phép và các ngân hàng được quyền chủ động.
- Ông nhận xét thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân trong thời gian gần đây và thời gian tới sẽ đóng vai trò như thế nào?
Kinh tế tư nhân càng ngày càng đóng vai trò quan trong trong sự phát triển của đất nước. Có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh không kém gì nhà nước. Vai trò của doanh nghiệp tư nhân không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và có cả các tập đoàn lớn.
Cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, Ví dụ như đối với hộ kinh doanh cá thể, chưa có chính sách cụ thể khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh cá thể, thu thuế được khu vực này.
- Trong 3 yếu tố: thế chế, con người và công nghệ đâu là vấn đề then chốt để đưa kinh tế tư nhân phát triển, thưa ông?
Trong 3 thành phần vừa nêu là thế chế, con người và công nghệ, thì yếu tố tiên quyết vẫn là thể chế (Chính phủ kiến tạo), tạo ra khung khổ pháp lý và chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển.
Thứ hai là con người, doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự chất lượng tốt, sáng tạo và có kỹ năng tiếp nhận công nghệ của thế giới.
Bởi, nếu không thể có được tầng lớn nhân lực tiếp nhận, “hấp thụ” được công nghệ thì khó có thể cạnh tranh được trong bối cảnh số hoá đang “bùng nổ”.
Tôi tin rằng thế hệ trẻ Việt Nam có đủ năng lực khát vọng để vươn tới trình độ sáng tạo công nghệ.
- Xin cám ơn ông!