Chính trị - Xã hội

Cần rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về các chương trình mục tiêu quốc gia

Gia Nguyễn 05/11/2024 10:05

Để giải quyết các vướng mắc, trong quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 05/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

ra-soat-phap-ly-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-05.11.1.2.jpg
Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tham gia ý kiến tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nêu rõ, kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 tiếp tục khẳng định tinh thần trách nhiệm, chủ động của các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp là cơ sở tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu đề ra, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thống nhất với đánh giá của Chính phủ và Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội về nhiều điểm nghẽn được nhìn nhận xuất phát từ nguyên nhân khách quan cũng như yếu tố chủ quan. Đại biểu cho biết, hiện vẫn còn nhận định vướng mắc, cơ chế, quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Dù Quốc hội ban hành nhiều chủ trương mới, một số cơ chế đặc thù được kỳ vọng cao khi ban hành nhưng chưa tạo tác động nhiều trong thực tiễn...

“Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, các địa phương hiện nay còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện do một số nội dung còn chưa thực sự cụ thể, rõ ràng và thuận lợi. Việc ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương còn có độ trễ nhất định do nhiều địa phương còn gặp lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng, triển khai văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương...”, đại biểu bày tỏ.

Từ đó, bên cạnh các giải pháp đề ra, đại biểu kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý triển khai, vận hành các chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội là thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Ngoài công tác rà soát chung, đại biểu cũng kiến nghị, cần chú trọng đánh giá kết quả thực hiện các nội dung đã ban hành tại Nghị quyết số 111 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là góc độ thúc đẩy công tác giải ngân.

ra-soat-phap-ly-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-05.11.1.1.jpg
Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tham gia ý kiến tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Ở một góc nhìn khác, tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung đánh giá tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách. Trong nhiều nội dung đánh giá về khó khăn, đại biểu đặc biệt quan tâm đến nội chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án.

Theo đại biểu, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, nêu cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có đánh giá: “Công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận, chủ trương thì mới bắt đầu thực hiện một cách thực tế và lúc đó lại mất thời gian để điều chỉnh, dẫn đến lãng phí rất nhiều thời gian”.

Trong Báo cáo số 652 của Chính phủ cũng cho thấy, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Nguyên nhân chủ yếu do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung…

Tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định sửa đổi một số Luật liên quan để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm nói chung, công tác chuẩn bị đầu tư nói riêng.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án; người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt; việc bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước.

“Việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về các chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO