Vốn chờ dự án; giải ngân đầu năm thấp, cuối năm mới tăng tốc… là những điểm nghẽn khiến kết quả giải ngân đầu tư công như chưa kỳ vọng.
Đầu tư công là một trong 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, là “vốn mồi” dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên trong thời gian qua, giải ngân đầu tư công không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Tại thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 47,29% kế hoạch năm với những nguyên nhân không mới như vướng mắc giải phóng mặt bằng, bồi thường, xác định giá đất, chính sách tái định cư, tình trạng né tránh đùn đẩy, cộng thêm thiên tai bão lũ và mưa kéo dài ảnh hưởng thi công.
Nhìn một cách tổng thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, đang có những nút thắt cần được tháo gỡ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần khơi thông nguồn lực, tạo đột phá cho phát triển. Đó là lý do Luật Đầu tư công năm 2019 được sửa đổi toàn diện và dự thảo sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công thể hiện những đổi mới mạnh mẽ và đột phá về tư duy, quan điểm trong xây dựng quy định pháp luật về quản lý đầu tư công. Tư tưởng xuyên suốt là sửa luật không chỉ để quản lý tốt hơn mà kiến tạo sự phát triển.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tiếp tục cụ thể hoá tư tưởng lớn trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án gắn với phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, không đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho” và tăng cường hậu kiểm.
Trong đó, tại các địa phương, chủ trương phân cấp phân quyền được đề xuất rất mạnh mẽ khi quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư được chuyển từ Hội đồng Nhân dân sang UBND cùng cấp.
Bên cạnh đó, một số nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công cần được tháo gỡ.
Thứ nhất, giải ngân đầu tư công thường gắn liền với cụm từ: “đầu năm thư thả, cuối năm vất vả” cùng nhiều câu hỏi được đặt ra: tại sao tốc độ giải ngân đầu năm thấp, tại sao không đẩy nhanh tiến độ giải ngân?... Thực tế, tìm đáp án cho câu hỏi này không dễ bởi để giải ngân cần phải có khối lượng sẵn sàng và công việc này phải làm trước.
Tuy nhiên, vướng mắc là làm trước lại dễ bị nợ đọng xây dựng cơ bản khiến các đơn vị rất e ngại. Tháo gỡ nút thắt này, trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã mở hướng cho phép khối lượng thực hiện giữa các năm được vượt kế hoạch nhưng không được vượt kỳ trung hạn trong 5 năm. Với cách thức này, đến kỳ kế hoạch năm sau luôn có khối lượng sẵn sàng chờ được thanh toán, tiến độ giải ngân vì thế sẽ được cải thiện hơn.
Thứ hai, tình trạng vốn chờ dự án, có kinh phí nhưng không giải ngân được do liên quan đến nhiều bước, nhiều thủ tục. Để dự án sẵn sàng được đầu tư vốn, quan trọng nhất là phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị.
Theo đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đề xuất sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để có thể chuẩn bị đầu tư dự án; đồng thời “nới room” kế hoạch trung hạn đến 50% để các dự án cấp bách, cần thực hiện ngay có thể bố trí kinh phí sẵn sàng, góp phần triển khai dự án nhanh hơn.
Cuối cùng, những bất cập liên quan đến tiến độ thực hiện và kế hoạch giải ngân vốn ODA được tháo gỡ khi tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đề xuất quy định phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND, cơ quan chủ quản; cho phép các dự án viện trợ không hoàn lại được hưởng quy trình như dự án khẩn cấp trong nước thay vì quy định chỉ được giải ngân, triển khai thực hiện khi có kế hoạch trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm…
Đặc biệt, đề xuất quy định cho phép giải ngân độc lập vốn vay lại và vốn cấp phát thay vì quy định 2 phần nhận nợ này phải diễn ra đồng thời như trước đó. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn ODA tại địa phương rất chậm.