Kinh tế

Tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế

Gia Nguyễn 04/11/2024 10:48

Trong bối cảnh nền kinh tế còn yếu, vẫn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công chậm, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ các nút thắt.

Tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp sáng 04/11, đại biểu Trần Thị Quỳnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tuy nhiên, theo đại biểu, nhu cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm...

quan-ly-khai-thac-khoang-san-hieu-qua-4.11.3.2.jpg
Đại biểu Trần Thị Quỳnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia ý kiến tại phiên họp sáng 04/11 - Ảnh: Media Quốc hội

Từ đó, đại biểu đề xuất tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ nền kinh tế, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)… đồng thời, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.

Theo đại biểu, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, cần nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Về chính sách tiền tệ, đại biểu cho rằng, cần nới lỏng thực chất chính sách tiền tệ, trong đó, ngân hàng Nhà nước nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành mà chúng ta cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nên có doanh nghiệp Nhà nước cùng tham gia thực hiện mục tiêu này.

Ngoài ra, cần tăng vốn quyết liệt hơn, tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giúp ổn định đồng USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ USD cũng như cải thiện khả năng cho vay của ngân hàng thương mại.

quan-ly-khai-thac-khoang-san-hieu-qua-4.11.3.1.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tham gia ý kiến tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Bày tỏ quan tâm về vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2024, tình hình lao động việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực, 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng hơn 210.000 người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 519 nghìn đồng.

Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm. Tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tăng 3,46% và tham gia bảo hiểm tự nguyện tăng 2,66%. Đặc biệt lần đầu tiên trong vài năm gần đây tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,56% vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, tình hình lao động việc làm năm 2024 vẫn còn nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, chưa có số liệu lao động đi xuất khẩu lao động năm 2024. Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đồng thời tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao, công tác định hướng nghề nghiệp phân luồng học sinh theo quyết định Thủ tướng Chính phủ chưa đạt mục tiêu đề ra

Và từ thực tiễn đã nêu, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp; chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện quyết định 522 và có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi đào tạo nghề. Tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO