Mặc dù nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… là định hướng phát triển bền vững, thế nhưng, cơ chế pháp lý tích tụ, tập trung đất đai còn nhiều rào cản, chưa đồng bộ…
Theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2013 và pháp luật liên quan chưa quy định cụ thể, rõ ràng hoặc chưa có cơ chế pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi trong việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... một số quy định cụ thể của Luật này chưa khuyến khích hoặc còn tạo ra rào cản cho việc thực hiện, làm tăng chi phí, rủi ro cho việc tích tụ, tập trung đất đai để phục vụ hoạt động sản xuất.
Cụ thể, liên quan đến nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) để tích tụ, tập trung đất đai, Điều 130 Luật Đất đai 2013 quy định, hạn mức nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ, chưa đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp, trong khi, muốn thực hiện phát triển nông nghiệp hàng hóa phải cần một diện tích đất lớn; khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; chưa khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng theo các chuyên gia, quy định các tổ chức kinh tế không được phép nhận chuyển nhượng đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa; việc chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp thực hiện trong cùng một đơn vị cấp xã.
Hay, việc giải nghĩa “trực tiếp sản xuất nông nghiệp” tại Luật Đất đai 2013, mới chỉ tiếp cận về trường hợp hộ gia đình, cá nhân là chủ thể trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà chưa đề cập đến các chủ thể khác, nhất là các chủ thể trong các quan hệ tích tụ ruộng đất, là không phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao; cản trở việc sử dụng đất của người dân, doanh nghiệp có điều kiện về tài chính, kỹ thuật, mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hạn chế trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao.
“Ngoài ra, quy định như vậy cũng chưa đồng bộ với quy định tại khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền dân sự, chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, các chuyên gia nhận định.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Phạm Văn Phất – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, không chỉ tồn tại những bất cập xung quanh cơ chế pháp lý tích tụ, tập trung đất đai trong việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, việc thu hồi đất để phục vụ các công trình, dự án vẫn còn một số vấn đề tồn tại.
Theo Luật sư Phất, Luật Đất đai 2013 ghi nhận hai cơ chế: cơ chế nhận chuyển nhượng QSDĐ, đối với dự án phát triển kinh tế thông thường quy định tại Điều 73, chủ đầu tư tự thỏa thuận (chuyển nhượng, thuê QSDĐ, nhận góp vốn bằng QSDĐ) với người dân về giá đất đền bù dựa trên cơ sở giá thị trường; cơ chế Nhà nước thu hồi đất: đối với các dự án Quốc gia, công cộng, dự án bằng vốn ODA và dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích Quốc gia, quy định tại Điều 62.
“Tuy nhiên, khái niệm “phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” vẫn được đánh giá là khá trừu tượng và có phạm vi rộng dẫn tới vẫn còn sự lạm dụng, khiếu kiện trong việc áp dụng luật, đòi hòi Luật Đất đai cần có một cơ chế pháp lý ổn định thống nhất cả về cơ chế hành chính và cơ chế dân sự trong việc thu hồi đất để thực hiện dự án, tránh việc can thiệp hành chính vào các quan hệ dân sự trong đất đai.
Trong đó, cơ chế dân sự cần được quan tâm hơn để người dân, doanh nghiệp có những lựa chọn phù hợp theo cơ chế thỏa thuận để doanh nghiệp tiếp cận được đất đai trong đầu tư kinh doanh, nhất là đối với các các dự án phát triển nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, qua đó khai thác cao nhất giá trị sử dụng đất, ổn định các quan hệ liên quan đến sử dụng dất, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, hạn chế rủi ro pháp lý, tăng tính hiệu quả bền vững cho người dân, doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế”, Luật sư Phất nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Thể chế hóa quyền sở hữu tài sản: Chưa thống nhất khái niệm "tài sản hình thành trong tương lai"
04:30, 29/01/2021
Thể chế hóa quyền sở hữu tài sản: Vướng mắc về quyền sử dụng đất
04:10, 28/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân
20:18, 26/01/2021
Đại hội XIII: Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có những quyết sách, cơ chế mở và thông thoáng về thể chế
12:25, 26/01/2021