Cả doanh nghiệp lẫn đại học đều đang phải mở nhiều khóa đào tạo cho nhân lực thế hệ Z cách viết một email cho đúng tiêu chuẩn hay thậm chí cả cách ăn mặc khi đi làm.
>>Nhân sự gen Z chịu áp lực cạnh tranh lớn từ… công nghệ
Tính đến năm 2025, thế hệ Z (thế hệ sinh từ 1997 – 2012) dự kiến chiếm 1/3 lực lượng lao động toàn cầu, theo số liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Nhưng có một thực trạng là, thế hệ này, vì nhiều lý do, mà khi bước vào công sở lại không biết cách viết một email hoàn chỉnh, gặp khó khăn khi giao tiếp với đồng nghiệp, hay thậm chí chưa biết cách trang phục cho phù hợp khi đi làm.
Thế hệ Z lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, mạng internet và các phương tiện truyền thông xã hội nở rộ. Thời điểm này họ là những sinh viên mới tốt nghiệp, là những nhân viên vừa mới được tuyển dụng. Họ hăm hở gia nhập môi trường mới, thế nhưng lại gặp khó khăn trong giao tiếp, thiếu kỹ năng cơ bản để làm việc nơi công sở.
Trước tình trạng đó, cả doanh nghiệp lẫn các trường đại học đang lần lượt mở các khóa học nhằm đào tạo những kỹ năng mềm cho người lao động thuộc Thế hệ Z.
Công ty KPMG (1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, trụ sở chính tại Hà Lan), hiện đang bán các khóa học chuyên đào tạo giới thiệu nhân viên mới cho các doanh nghiệp. Khóa học sẽ hướng dẫn cách giao tiếp trực tiếp trong môi trường công sở, các mẹo để giao tiếp bằng mắt phù hợp, cũng như cách tạm dừng trong một cuộc trò chuyện, Phó chủ tịch Sandy Torchia của KPMG cho biết.
Không riêng gì KPMG, mà các công ty thuộc nhóm Big4 của ngành này gồm PwC, EY và Deloitte cũng đang tận dụng cơ hội, họ bắt đầu cung cấp các khóa huấn luyện “văn hóa công ty” trong năm nay.
Tương tự, công ty tư vấn Proviti cũng đã mở rộng chương trình đào tạo cho dành cho nhân viên mới trong thời kỳ đại dịch bao gồm một loạt các cuộc họp qua mạng, tập trung vào các vấn đề như cách để có một cuộc trò chuyện hiệu quả. Phó chủ tịch điều hành nhân sự toàn cầu của Protiviti Scott Redfearn cho rằng, những khóa học này không chỉ giúp người lao động, đặc biệt là Thế hệ Z thích nghi với môi trường công sở, đồng thời tránh các lỗi thường gặp khi đi làm như về trang phục, cách giao tiếp với đồng nghiệp, thậm chí là cách viết một email.
Không chỉ có các doanh nghiệp, mà cả các trường đại học cũng tham gia vào hoạt động này. Không chỉ đào tạo chuyên môn, các trường giờ đây còn chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên trước khi ra trường.
“Một số vấn đề mà người lao động trẻ thường gặp phải trong môi trường công sở chẳng hạn như các chuẩn mực, giá trị và quy tắc xã giao, làm thế nào để tránh đi quá giới hạn trong quan hệ đồng nghiệp cũng được chú trọng đào tạo", phó giáo sư Helen Hughes tại Trường Kinh doanh Đại học Leeds cho biết.
Hiện, các thế hệ “trước Z” đã đi làm đủ lâu, và việc thích nghi với văn hóa công ty là điều đương nhiên. Nhưng, nhân viên Z “non trẻ” vừa “chân ướt chân ráo” bước vào môi trường doanh nghiệp thì làm thế nào để phát huy tốt khả năng của mình là điều không dễ dàng gì. Họ phải đối mặt với một số loại khoảng cách văn hóa khi tham gia lực lượng lao động, như thế nào là trang phục công sở phù hợp, cách sử dụng công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội một cách hợp lý, cũng như cách thích nghi với văn hóa công ty.
Ngoài những nguyên nhân thuộc về đào tạo, việc lớn lên trong thời đại công nghệ số, việc giao tiếp qua mạng nhiều cũng khiến Gen Z thiếu kỹ năng giao tiếp đối mặt - nhân tố quan trọng giúp thích nghi văn hóa doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thế hệ Gen Z còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi Covid-19. Đại dịch khiến họ thiếu cơ hội tương tác trực tiếp tại nơi làm việc, bà Tara Salinas - Giáo sư đạo đức kinh doanh tại Đại học San Diego nhận định. Để khắc phục tình trạng này, nhiều CEO đã khẳng định rằng những người lao động, đặc biệt là lao động trẻ tuổi có thể hưởng lợi từ việc dành nhiều thời gian hơn khi làm việc ở văn phòng.
Chính sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, đã thúc đẩy người trẻ Gen Z bên cạnh việc học kiến thức, phải không ngừng học thêm các kỹ năng mềm để sớm thích nghi với văn hóa công ty.
Có thể bạn quan tâm