Giá thép giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong năm 2022, sẽ gây áp lực không nhỏ đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép nói chung và SMC.
>> Định vị lại ngành thép
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2022, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 300 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2021.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022 của SMC, doanh thu thuần đạt 6.630,2 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn cũng tăng 39% và chiếm 97% doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp giảm 55% xuống 194 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của SMC giảm 40% xuống 18,55 tỷ đồng do Công ty không ghi nhận lãi từ bán chứng khoán, cổ tức được chia gần 18 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước.
Dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm lần lượt 54% và 74%, song lợi nhuận sau thuế của Công ty vẫn giảm tới 63% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 80,54 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ảm đạm cũng đã và đang tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu SMC. Sau khi chạm đỉnh 55.000 đồng/cổ phiếu, SMC đã bước vào chu kỳ đi xuống và hiện chỉ còn quanh mốc 35.600 đồng/cổ phiếu.
Trước khi nổi sóng, cổ phiếu SMC chỉ loanh quanh khoảng dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn tháng 9/2020. Tuy vậy, SMC đã có hơn một năm hoàng kim với một chu kỳ tăng kéo dài suốt từ tháng 9/2020 cho đến khi lập đỉnh vào tháng 10/2021.
>> Giá thép phi mã, doanh nghiệp xây dựng lao đao
300 tỷ đồng là kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 của SMC, giảm 67% so với năm 2021.
Fitch Solutions dự báo giá thép toàn cầu sẽ giảm từ mức trung bình 950 USD/tấn năm 2021 xuống 750 USD/tấn trong năm 2022 và 535 USD/tấn trong giai đoạn 2023-2025. Theo đó, VNDirect dự báo giá thép xây dựng của Việt Nam sẽ giảm xuống mức 13.600- 14.500 đồng/kg trong giai đoạn 2022-2023, giảm lần lượt 5- 10% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, giá nguyên liệu sản xuất thép đã và đang có xu hướng tăng mạnh do tác động của chiến sự Nga-Ukraine; nhiều mỏ quặng lớn ở Brazil bị đóng cửa do ảnh hưởng dịch bệnh; căng thẳng thương mại Úc -Trung…
Giá bán thép thấp hơn trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong năm 2022, đã và đang tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp của SMC. Thực trạng này đã làm giảm cho lượng hàng tồn kho của SMC tăng mạnh. Theo báo cáo tài chính quý 1/2022, hàng tồn kho của SMC đã tăng từ 2,5 nghìn tỷ đồng tăng lên 3 nghìn tỷ đồng tính đến 31/3/2022. Điều này khiến hoạt động kinh doanh của SMC bị trì trệ, khó quay vòng được đồng vốn. Nguy hiểm hơn, nếu giá thép tiếp tục sụt giảm thì sẽ khiến giá trị hàng tồn kho của SMC giảm theo.
Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của SMC là 2.500 tỷ đồng tính đến hết 31/3/2022, trong khi nợ phải trả tăng lên 7.400 tỷ đồng, trong đó 6.900 tỷ đồng nợ ngắn hạn phải trả. Điều này gây sức ép lớn cho SMC trong việc thanh toán nợ gốc và lãi vay. Hơn nữa, quy mô nợ có giá trị lớn gấp hơn 2,9 lần vốn chủ sở hữu của SMC đã và đang khiến doanh nghiệp này đối mặt với rủi ro an toàn tài chính trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh không còn thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm