Sự ra đời của Mobile Money chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ngân hàng và các ứng dụng Ví điện tử, đặc biệt khi được trang bị các tính năng mới...
Đó là quan điểm của ông Đinh Hồng Sơn, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Tài chính Thế hệ mới khi trao đổi với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Theo quan điểm của ông, trước Quyết định thí điểm Mobile Money của Thủ tướng Chính phủ, ai mới là người thực sự được “hưởng lợi” từ dịch vụ này?
Việc Chính phủ chính thức cho triển khai thí điểm Mobile Money tại Việt Nam là một tin vui với rất nhiều phía, toàn bộ người dân những người sở hữu số điện thoại và một chiếc điện thoại thông minh; ngay cả ngân hàng và các nhà mạng cũng là những đơn vị hưởng nhiều lợi ích khi Mobile Money được cấp phép sử dụng trên diện rộng.
Người dân dùng Mobile Money sẽ có thêm một lựa chọn hữu dụng phục vụ chi tiêu với các tiện ích gần như ví điện tử nhưng không nhất thiết phải có tài khoản ngân hàng. Với các ngân hàng, họ sẽ tăng lượng giao dịch mặc dù với Mobile Money thì không nhất thiết phải thông qua ngân hàng, nhưng về bản chất, khi chuyển tiền qua Mobile Money thì nhà mạng vẫn phải thực hiện đối ứng 1:1 với ngân hàng.
Cuối cùng là nhà mạng, đơn vị sở hữu giải pháp Mobile Money sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi lượng tiền giao dịch có thể đạt mức khổng lồ với hơn 124 triệu thuê bao đang được sử dụng tại Việt Nam. Đây có thể coi là thị trường tiềm năng béo bở nhất dành cho các nhà mạng.
- Vậy Mobile Money có làm ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và các ứng dụng ví điện tử hay không?
Sự ra đời của Mobile Money chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ngân hàng và các ứng dụng Ví điện tử, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng còn tuỳ thuộc vào từng thời điểm.
Về lâu dài, như đề cập ngân hàng sẽ hưởng lợi từ Mobile Money khi lượng giao dịch tăng lên nhanh chóng, lượng tiền đối ứng của nhà mạng và ngân hàng ngày càng lớn hơn theo thời gian. Đối tượng của Mobile Money cũng có thể là một phần của Ví điện tử và ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ví. Nếu nhìn nhận chính xác hơn, với hạn mức 10 triệu/tháng dành cho Mobile Money thì lượng người dùng của Mobile Money sẽ chủ yếu là chi tiêu cho tài chính rất nhỏ và không có tác động lớn đến Ví điện tử; thậm chí, nó còn khiến các Ví điện tử ngày càng tối ưu hơn về tiện ích và tính năng để lôi kéo, thu hút, cũng như giữ chân người dùng cuối.
- Theo ông, vậy Mobile Money có những ưu điểm và hạn chế gì?
Chúng ta đều biết trong nhiều năm trở lại đây, Ví điện tử đang ngày trở nên quen thuộc và đem đến nhiều trải nghiệm, tiện ích cho người dùng. Mobile Money nếu được dùng phổ dụng cũng sẽ có nhiều điểm hấp dẫn và đem đến nhiều điều thú vị cho người dùng cuối như việc không cần có tài khoản ngân hàng mà chỉ cần có số thuê bao, có điện thoại là có thể chuyển tiền, rút tiền, mua sắm, thanh toán dịch vụ…
Những tiện ích này sẽ thực sự hữu ích và dễ thu hút người tiêu dùng; tuy nhiên ở chiều ngược lại, Mobile Money cũng tồn tại trong nó nhiều bất cập như: Hạn mức quá nhỏ, 10 triệu/tháng sẽ khiến người tiêu dùng bị giới hạn chi tiêu, nếu KYC không tốt cũng rất dễ dẫn đến các hoạt động rửa tiền, tiền bẩn lưu thông qua nhà mạng. Những vấn đề này cũng cần được chú trọng và nghiên cứu từ các tổ chức, Chính phủ khi ban hành chính thức quy định sử dụng Mobile Money cho giao dịch tiền tệ và tiêu dùng.
- Mobile Money có thể cung cấp dịch vụ tín dụng, cho vay tiêu dùng như Visa, Mastercard hay Fecredit được không và tiềm năng tăng trưởng của hoạt động này nếu có, trong tương lai thế nào, thưa ông?
Hiện tại, mô hình hoạt động của Mobile Money đơn thuần giống như thẻ Debit của Visa hay Master Card khi người dùng muốn sử dụng tiền qua thẻ cào, tức là người dùng phải đảm bảo có tiền trong tài khoản để có thể giao dịch, mua sắm hay rút và chuyển tiền.
Tuy nhiên, điều này mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng tính năng thông thường và kiểm soát rủi ro tuyệt đối của nhà mạng. Về lâu dài, tôi nghĩ nhà mạng sẽ đưa ra những tính năng khác cao cấp hơn, có thể hoạt động theo mô hình cho vay tài chính hoặc cung cấp hạn mức chi tiêu như Visa, Master Card thông qua ngân hàng. Do các tài khoản đều phải eKYC (xác thực danh tính) rất đầy đủ, nên nhà mạng hoàn toàn có thể thẩm định về hạn mức tín dụng của từng chủ thuê bao và từ đó cho phép chủ thuê bao ứng trước một lượng tiền để phục vụ hoạt động mua sắm, tiêu dùng cá nhân.
Bản thân nhà mạng có thể đóng vai trò như tổ chức tài chính (nếu có giấy phép) để kiểm soát hạn mức cho vay và khả năng chi trả của chủ thuê bao tại mọi thời điểm. Vì vậy cần phỉải hiểu kỹ rằng Mobile Money không thể làm mô hình vay ngang hàng mà chỉ là mô hình cho vay của chủ đầu tư và người cần vay.
Về tiềm năng phát triển, tôi cho rằng, trong ít nhất 2 năm tới, thị trường sẽ bùng nổ về số lượng người dùng cũng như giá trị giao dịch. So với các ngân hàng, chỉ khoảng 2 triệu tài khoản đã giúp ngân hàng duy trì giá trị giao dịch tốt, trong khi Việt Nam hiện có hơn 124 triệu thuê bao di động, ước tính 10% số lượng người dùng Mobile Money và mỗi năm tăng trưởng từ 10-20%, thì đây được coi là con số trong mơ đối với tốc độ phát triển của loại hình dịch vụ này. Đảm bảo thị trường sẽ ngày càng vượt xa các ngân hàng, bởi cuộc chơi tài chính quan trọng là số lượng người dùng. Đặc biệt là người dùng đã có sẵn, mà không cần đổ quá nhiều chi phí về marketing, quảng cáo.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thí điểm Mobile Money (bài 6): Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp
05:30, 17/03/2021
Thí điểm Mobile Money (bài 5): Chú trọng rủi ro bảo mật thông tin
06:15, 16/03/2021
Thí điểm Mobile Money (bài 4): Chống rửa tiền đi từ sim “rác”
06:20, 15/03/2021
Thí điểm Mobile Money (bài 2): Thúc đẩy hệ sinh thái tài chính di động
06:00, 13/03/2021
Thí điểm Mobile Money (bài 1): Tiền di động bắt đầu động
06:00, 12/03/2021
Thí điểm Mobile Money trong 2 năm
05:45, 10/03/2021