Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 1/2021 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 6% và nhân thọ tăng 11%.
Tính đến hết tháng 2/2021, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó, có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 19 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Ngoài ra còn có 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản ước đạt 582.385 tỷ đồng, tăng 24,10% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 100.215 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 422.060 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 470.893 tỷ đồng, tăng 22,85% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 24.203 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 345.786 tỷ đồng.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 26.950 tỷ đồng, tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 10.397 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 16.553 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2021 của Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm Quân đội MIC, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 620,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 37,376 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty vừa lên sàn chứng khoán chưa lâu giải thích nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp có sự biến động trên 10 % là do trong quý 1 năm nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn hơn tốc độ tăng trưởng chi phí kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động tham gia bảo hiểm tăng 26,51% trong khi tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng 21,38%.
Từ năm 2016 đến nay, Tổng công ty chuyển sang giai đoạn 2 với mục tiêu phát triển bền vững ngoài những bước tiến ngoạn mục về doanh thu đó là con số ấn tượng về lợi nhuận. Tính đến nay MIC nằm trong top công ty nghìn tỷ, được đánh giá là 2/31 doanh nghiệp Bảo hiểm có hệ thống mạng lưới vững mạnh.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của doanh thu phí bảo hiểm gốc là 24%/ năm, CAGR của lợi nhuận sau thuế là 28%. Riêng đối với năm 2020. Doanh thu đến từ hoạt động bảo hiểm gốc năm 2020 đạt 3.157 tỷ đồng, gấp 4 lần so với bình quân thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trong tương lai, Bảo hiểm MIC hướng tới mục tiêu chiến lược trở thành Top 3 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2025, mục tiêu tăng trưởng duy trì gấp 3-4 lần so với bình quân ngành.
Còn riêng với Tập đoàn Bảo Việt, hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm. Công ty mẹ Tập đoàn có tổng tài sản năm 2020 đạt 18.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 18.195 tỷ đồng, cùng ghi nhận mức tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh toàn thị trường nói chung. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn luôn duy trì ở mức cao 97,8% trong nhiều năm khẳng định tiềm lực tài chính vững mạnh của Công ty Mẹ Tập đoàn Bảo Việt.
Tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 1.410 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.067 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.012 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 2020 lần lượt là 4,2% và 1,1%.
Ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) dự báo, năm 2021 mảng bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt doanh thu 70.000 tỷ đồng tăng 15%, còn mảng bảo hiểm nhân thọ ước đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 22%.
“Năm 2021, các yếu tố được xem là thuận lợi cho thị trường bảo hiểm là tình hình phòng chống COVID-19 có nhiều tích cực khả quan, hy vọng đến cuối năm 2021 sẽ sản xuất và tiêm chủng đủ vắc-xin trên toàn thế giới. Việc đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ số vào kinh doanh bảo hiểm từ sản phẩm, kênh phân phối, bán bảo hiểm, thu phí, chăm sóc khách hàng, giải quyết quyền lợi bảo hiểm đào tạo, hội họp đến marketing, xây dựng thương hiệu, quản lý cũng tạo đà tăng trưởng.
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam tăng cũng làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm. Việc bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng sẽ được đẩy mạnh hơn với sự có mặt của các ngân hàng thương mại lớn như: Vietcombank-FWD, Vietinbank-Manulife…”, ông Lộc phân tích.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đưa ra các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2021 như:
Thứ nhất, hoàn thiện, trình Quốc hội Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.
Thứ hai, nâng cao tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ ba, phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0. Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm.
Thứ tư, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ năm, tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp thông qua việc là đầu mối của toàn thị trường, cầu nối với các cơ quan có liên quan để thực thi chính sách hiệu quả. Tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại. Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm.
Có thể bạn quan tâm