Mặc dù thị trường đã khởi sắc, nhưng thanh khoản suy yếu khá nhiều so với các phiên trước cho thấy xu hướng tăng điểm vẫn đang khá yếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/08, chỉ số VN-Index tăng 10,81 điểm lên 1.309,55 điểm với 228 mã tăng, 134 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,22 điểm lên 336,01 điểm. Toàn sàn có 128 mã tăng trong khi có 85 mã giảm. UPCoM-Index tăng 0,4 điểm lên 91,53 điểm.
Chỉ số VN30 hôm nay tăng 10,25 điểm lên 1.428,51 điểm với 25 mã tăng, 3 mã giảm và 2 mã đứng giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm, tương đồng với diễn biến thị trường chứng khoán thế giới trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi hội nghị Jackson Hole của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ "Fed).
Thanh khoản thị trường giảm mạnh với giá trị khớp lệnh đạt 18.541 tỷ đồng, giảm 31% so với phiên trước. Giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 44% xuống mức 7.560 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng nhẹ ở sàn HoSE trong khi mua ròng ở 2 sàn còn lại HNX và UPCoM.
Giá dầu tăng trở lại do Mexico mất 1/4 sản lượng, Trung Quốc đã kiềm chế đợt bùng phát COVID -19 gần đây và dữ liệu của API cho thấy tồn kho dầu thô giảm 1,6 triệu thùng trong tuần trước giúp cổ phiếu nhóm dầu khí tăng giá ở PVS (+2,9%), PVD (+2,3%).
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 373 triệu USD, giảm 45,5% so với cùng kỳ tháng 7 khiến cổ phiếu ngành gỗ giảm giá ở SAV (-1,2%), TTF (-0,1%).
Bến Mi Sơn tại cảng Ninh Ba – cảng container lớn thứ ba thế giới đã hoạt động bình thường trở lại từ ngày 25/08 giúp giảm căng thẳng cho các tuyến vận tải ở châu Á tác động tích cực đến cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu như VHC (+1,2%), FMC (+1,5%).
Khối ngoại bán ròng ở VHM (-0,3%), HPG (+1,4%), CTG (-1,8%).
Nhận định về xu hướng của thị trường, CTCK BSC cho rằng dòng tiền chảy vào thị trường khi 18/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước với mũi nhọn tăng trưởng đến từ nhóm Vận tải và Thực phẩm, đồ uống. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản thị trường suy giảm so với phiên trước. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX và mua ròng tại HNX. Mặc dù thị trường đã khởi sắc, việc thanh khoản suy yếu khá nhiều so với các phiên trước cho thấy xu hướng tăng điểm vẫn đang khá yếu. BSC khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng giao dịch và có thể mở 1 phần nhỏ vị thế vào các mã cổ phiếu đã điều chỉnh mạnh trong nhịp điều chỉnh vừa qua.
Còn theo CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV), vùng hỗ trợ quanh 1.290 điểm đã cho phản ứng và tiếp tục đóng vai trò tạo điểm đỡ cho chỉ số. Xu hướng hồi phục có thể còn được duy trì và mở rộng thêm trong những phiên tới, tuy nhiên, VN-Index sẽ sớm vấp phải áp lực rung lắc điều chỉnh tại các vùng cản, gần là 131x điểm và tích cực hơn là 133x điểm. “Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi, có thể linh hoạt bán quay vòng 1 phần tỷ trọng, đã mua trước đó, tại các vùng kháng cự để trung bình giá vốn cho vị thế nắm giữ trung hạn”, chuyên gia phân tích của KBSV khuyến nghị.
CTCK MBS nhận định rằng, thanh khoản thị trường đang trong xu hướng giảm, phiên 25/08 giá trị khớp lệnh trên sàn HSX chỉ còn hơn 15.180 tỷ đồng từ mức hơn 21.100 tỷ đồng ở phiên hôm trước. Khối ngoại tiếp tục có phiên mua ròng nhẹ hơn 45 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Thị trường tiếp tục phát đi tín hiệu phục hồi sau khi chững đà giảm hôm 24/08. Thị trường có thể còn tiếp tục những phiên kiểm tra cung trong những phiên sắp tới với thanh khoản ở vùng 15.000 – 17.000 tỷ/phiên ở sàn HSX.
Tín hiệu phục hồi của thị trường vẫn nằm ở các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản,… dù thanh khoản thị trường giảm nhưng độ rộng rất tích cực cho thấy nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh các phiên phục hồi thường mang tính kỹ thuật, do vậy nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hoạt động rất sôi động trong phiên 25/8. “Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và quan sát diễn biến thị trường ở vùng hỗ trợ 1.290 – 1.300 điểm, trong kịch bản lạc quan, thị trường có thể hồi về vùng 1.325 điểm”, chuyên gia của MBS khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm