Với tinh thần “trao chiếc cần câu thay vì con cá”, Thiện nguyện Từ Tâm đã đóng góp cho cộng đồng bằng nhiều hoạt động thiết thực, trong đó phải kể đến hành trình xây dựng gần 130 cây cầu yêu thương.
Ước mơ 1000 cây cầu nối những nẻo xa
Ngày 18/08, vừa qua, điểm trường mầm non Tak Lẽ (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) được khánh thành trong không khí hân hoan của cô trò và nhân dân thôn 2 xã Trà Leng.
>>Nhựa Tiền Phong khánh thành cây cầu dài nhất trong chương trình Cầu nối yêu thương
Đại diện nhóm chia sẻ: Vượt qua hơn 3 giờ đồng hồ lội suối, trèo đèo vất vả mới đến được điểm trường Tak Lẽ. Ai nấy đều không khỏi xúc động khi đích thân trải nghiệm những khó khăn, thiếu thốn của các cháu học sinh nơi đây. Điểm trường tạm bợ, không điện, không nước sạch, không có nhà vệ sinh, không có sân chơi... Cảm nhận được những thiếu thốn và sự vất vả của cô trò nơi đây khiến cho các thành viên nhóm có thêm động lực để khắc phục những khó khăn, nhanh chóng xây dựng ngôi trường mới tử tế, khang trang.Trong suốt những ngày tập kết và vận chuyển vật tư xây dựng, bà con thôn 2 đã cùng đơn vị thi công khiêng vác từng viên gạch, từng tấm panel, đi bộ xuyên đường mòn để hiện thực hóa ước mơ có được ngôi trường mới cho các con.
Đó chỉ là một hoạt động trong rất nhiều chương trình thiện nguyện nhóm đã triển khai trong 4 năm qua, trong đó đặc biệt phải kể đến gần 130 cây cầu nối mọi nẻo đường tổ quốc mà nhóm đã xây dựng. Chia sẻ về ý tưởng xây tặng cầu, bà Đinh Thị Nhung – 1 trong 3 người sáng lập cho biết: Khi mới thành lập, nhóm chủ yếu tham gia các chương trình thiện nguyện tặng quà nhưng nhận thấy những hoạt động này không thiết thực bằng việc xây cầu. Xây cầu sẽ giúp giải quyết nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, mang tính lâu dài. Nhóm mong muốn hướng tới trao tặng giá trị thiết thực cho cộng đồng, giúp họ có thêm cơ hội đổi đời.
Anh Nguyễn Ngọc Tâm – thành viên nhóm chia sẻ thêm: Dù nhận được nhiều thông tin xin tài trợ xây cầu nhưng nhóm đặt ra tiêu chí lựa chọn cụ thể, khảo sát cẩn thận trước khi quyết định. “Chúng tôi chọn xây cầu ở những nơi thực sự cần thiết và đặt mục tiêu dài hạn, nếu xây cầu nhỏ quá sau này kinh tế địa phương phát triển, đường sá rộng rãi, vô hình chung cây cầu sẽ là trở lực cản trở sự phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, mỗi cây cầu đều có sự đồng hành, chung tay của chính quyền địa phương: hỗ trợ chỗ ăn ở,tài trợ thêm kinh phí, đồng hành quản lý xuyên suốt quá trình xây cầu cũng như có trách nhiệm quản lý sau khi bàn giao lại”.
Mỗi nhịp cầu là một câu chuyện đáng nhớ với thành viên nhóm. Chị Nhung nhớ lại, khi xây cụm 4 cầu tại Thạnh Hóa, Long An, cả khu vực như một ốc đảo biệt lập dù chỉ cách TP.HCM hơn 100 cây số. Trẻ con vùng đó chỉ học hết cấp 2 là nghỉ do không có đường đến trường. Cả huyện chỉ có duy nhất một người “thoát ra” đi học, trở về làm giáo viên. Hay ở Đồng Tháp có những cây cầu quá cũ, nguy hiểm khi qua sông vào ban đêm khiến nhiều gia đình bất lực nhìn người thân qua đời do không có phương tiện chở đi cấp cứu. Hay những nông sản có giá chỉ 1000đ/kg của bà con khu vực Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp…do bị thương lái ép giá khi chưa có cầu thông thương buôn bán nông sản. Những niềm trăn trở đó cũng là động lực thôi thúc nhóm cố gắng xây dựng thật nhiều những nhịp cầu nối ước mơ, hi vọng vươn lên của người dân nghèo.
Thiện Nguyện Từ Tâm có nhiều thành viên là doanh nhân bận rộn nhưng họ vẫn sắp xếp công việc để đồng hành trong mỗi chuyến đi. Song song với việc quản lý doanh nghiệp, chị Nhung điều hành chính các công việc của nhóm: tiếp nhận - lựa chọn thông tin, lập kế hoạch và tổ chức đoàn khảo sát, kế hoạch tài trợ, làm việc với địa phương... “Động lực lớn nhất để mình cũng như các thành viên hoạt động tích cực cho đến bây giờ là niềm vui, giọt nước mắt hạnh phúc của những người dân khó khăn nơi chúng mình đặt chân đến. Giá trị của việc thiện nguyện là làm bằng cái tâm. Mong ước trong 10 năm tới, nhóm sẽ hoàn thành 1000 cây cầu, nối những vùng xa xôi, hẻo lánh”, chị Nhung xúc động chia sẻ.
Trao chiếc cần câu thay vì con cá
Anh Phạm Minh, thành viên Ban điều hành nhóm thiện nguyện Từ Tâm cho biết, mỗi dự án, mỗi cây cầu đều được lên kế hoạch thực hiện chỉn chu, đầy tâm huyết từ tiếp nhận thông tin, lập đoàn khảo sát thực tế đến kế hoạch kêu gọi tài trợ, bắt tay vào thực hiện cho tới khi hoàn thành. Tất cả thu chi của quá trình triển khai dự án đều minh bạch, rõ ràng, các thành viên thường xuyên cập nhật hình ảnh và thông tin tiến độ. Toàn bộ số tiền quyên góp được đều dùng vào chi phí xây cầu, vì vậy chi phí vận hành dự án (đi lại, ăn ở) đều do mọi người tự “bỏ tiền túi” chia sẻ với nhau, người có điều kiện hơn sẽ hỗ trợ những người khác”.
>>FE CREDIT trao tặng áo mới cho học sinh khó khăn
Khác với mục tiêu hoạt động thường thấy của các nhóm từ thiện, tiêu chí hoạt động của Thiện nguyện Từ Tâm là chia sẻ giải pháp, định hướng phương thức thay đổi cuộc sống, từ đó, người khó khăn có thể cảm nhận được những giá trị của việc thiện nguyện đem lại cho họ, giúp họ tự tin vươn ra khỏi bất hạnh riêng để sống cuộc đời tươi sáng hơn. Đó cũng chính là tinh thần “trao tặng chiếc cần câu thay vì chú cá chỉ ăn được một hai bữa”. Định hướng của nhóm ngay từ những ngày đầu thành lập là áp dụng những tiến bộ của thế giới trong công tác từ thiện: Công khai, minh bạch, chính xác, hiệu quả và sẵn sàng kết nối với cộng đồng để cùng nhau lan tỏa yêu thương.
Từ năm 2018 đến nay, nhóm Thiện nguyện Từ Tâm đã trao hàng nghìn suất quà, suất học bổng trị giá hơn 1 tỷ đồng cho các em học sinh tại các địa phương mà Nhóm triển khai xây cầu. Cùng với đó là những hoạt động ý nghĩa khác như xây trường cho trẻ vùng cao, tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo, xây dựng sân bóng đá mini; xây nhà tình thương, trao tặng bò giống…
Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, Nhóm đã vận động được gần 800 triệu đồng nấu ăn miễn phí. Mỗi ngày, bếp ăn Từ Tâm nấu hàng nghìn suất ăn phục vụ tuyến đầu chống dịch và các hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng…
Tất cả đã viết nên một hành trình đẹp, ấm áp yêu thương. Chắc chắn, Thiện nguyện Từ Tâm đã và sẽ chạm đến trái tim của những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, và cho đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương...
Có thể bạn quan tâm