Được khuyến khích bằng hàng tỷ USD từ đạo luật CHIPS, các công ty bán dẫn hứa hẹn sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm tại Mỹ. Nhưng vấn đề lại ở chỗ: nước Mỹ có thể không có đủ người.
>>"Ông lớn" của Ấn Độ nhảy vào thị trường bán dẫn nóng bỏng
Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) dự báo lực lượng lao động của ngành bán dẫn sẽ cần bổ sung thêm gần 115.000 người lên khoảng 460.000 người vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng 33%.
Thế nhưng, Mỹ chỉ có thể lấp đầy được 42% nhu cầu mới với mức độ đào tạo như hiện nay. Trong số nhân lực thiếu hụt, có tới 35% là kỹ sư có bằng cấp bốn năm hoặc nhà khoa học máy tính; và 26% sẽ là kỹ sư có trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Theo báo cáo của Deloitte, ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 70.000 đến 90.000 công nhân trong vài năm tới. McKinsey cũng dự đoán con số thiếu hụt khoảng 300.000 kỹ sư và 90.000 kỹ thuật viên lành nghề vào năm 2030.
SIA thừa nhận đây là thách thức đối với toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ. Không chỉ bán dẫn, các ngành công nghệ tăng trưởng cao khác có tầm quan trọng chiến lược không kém trên toàn thế giới cũng đang chạy đua để tìm kiếm các nhân tài hoặc các nhóm công nhân có kỹ năng.
Đến cuối năm 2030, ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm 3,85 triệu việc làm yêu cầu trình độ thành thạo trong các lĩnh vực kỹ thuật. Không chỉ bán dẫn, các ngành năng lượng sạch, công nghệ y tế, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, an ninh mạng, truyền thông thế hệ tiếp theo, hàng không vũ trụ, ô tô và sản xuất tiên tiến, cũng đối mặt với nhu cầu tương tự.
Trong số đó, theo SIA, 1,4 triệu việc làm có nguy cơ không được lấp đầy trừ khi mở rộng nguồn tuyển dụng cho những công nhân như vậy trong các lĩnh vực này, chẳng hạn như kỹ thuật viên lành nghề, kỹ thuật và khoa học máy tính.
>>Lộ diện quốc gia dẫn đầu thu hút các "ông lớn" bán dẫn toàn cầu
SIA cho rằng chính phủ Mỹ trước hết cần mở rộng các chương trình và quan hệ đối tác nhằm đào tạo và thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật viên lành nghề cho ngành sản xuất chất bán dẫn.
Ví dụ, các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ, học nghề và các hình thức đào tạo khác có thể được triển khai gần các nhà máy bán dẫn mới và đang mở rộng. Điều này có thể sẽ hiệu quả cho nguồn cung kỹ thuật viên khi các sinh viên được chuẩn bị sẵn sàng cho công việc trong tương lai.
Bên cạnh đó, SIA cho rằng nguồn kỹ thuật viên ở Mỹ cần mở rộng ra nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như sinh viên tốt nghiệp trung học hoặc cựu chiến binh trở về. Đây sẽ là một công việc khó khăn, nhưng các công ty bán dẫn kỳ vọng Đạo luật CHIPS có thể dẫn đầu các nỗ lực đó.
Khuyến nghị thứ hai của SIA mang tính dài hơi hơn: phát triển các kênh STEM trong nước dành cho các kỹ sư và nhà khoa học máy tính. Tại Mỹ, hiện không có đủ số lượng học sinh sinh viên theo đuổi các bằng cấp STEM để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Chưa kể, nhiều người tốt nghiệp với bằng STEM nhưng theo đuổi các công việc trái ngành. Quan trọng hơn, chỉ một số ít những sinh viên tốt nghiệp này gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn.
Bởi vậy, SIA cho rằng cần các chính sách theo ba giai đoạn: thu hút nhiều sinh viên theo học các ngành STEM; tuyển dụng nhiều sinh viên tốt nghiệp STEM; và cuối cùng là thu hút họ đến với cơ hội việc làm trong ngành bán dẫn.
Đâu là động lực? Đó có thể lại là Đạo luật Khoa học và CHIPS – nơi chính phủ có thể rót vốn thành lập hoặc bổ sung thêm nguồn lực cho Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia, các trung tâm sản xuất tập trung vào chất bán dẫn; hay Quỹ Giáo dục và Lực lượng Lao động CHIPS của Quỹ Khoa học Quốc gia.
“Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng việc tăng cường nguồn nhân lực STEM trong nước, đặc biệt là ở cấp độ thạc sĩ và tiến sĩ, là một thách thức mang tính thế hệ. Hoa Kỳ cần phải hành động ngay hôm nay để tiến lên một cách mạnh mẽ nếu muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nhân tài kỹ thuật của ngành vào năm 2030,” SIA khẳng định.
Cuối cùng, trước sự cạnh tranh gay gắt trong ngành cũng như từ các quốc gia khác, việc giữ chân và thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế có trình độ cao nên trở thành một ưu tiên của Hoa Kỳ.
Trong khi quá trình phát triển nguồn nhân lực trong nước sẽ mất nhiều năm mới có kết quả, SIA khẳng định nước Mỹ cần tìm cách giữ chân khoảng 16.000 kỹ sư quốc tế có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đang rời bỏ Hoa Kỳ mỗi năm. Dự báo tới cuối thập niên này, Mỹ sẽ thiếu khoảng 17.000 kỹ sư cấp cao ngành bán dẫn nếu xu hướng này không được đảo ngược.
SIA thừa nhận, khoảng cách thiếu hụt lực lượng lao động này không thể được giải quyết trong tương lai gần chỉ với những sinh viên tốt nghiệp là công dân Hoa Kỳ.
Tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ, hơn 50% sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ kỹ thuật và hơn 60% sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ kỹ thuật là công dân nước ngoài. Khoảng 80% thạc sĩ và 25% tốt nghiệp tiến sĩ STEM nước ngoài không ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp, một phần do chính sách nhập cư cứng rắn của nước này.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam cần làm gì để theo kịp chiến lược bán dẫn của Ấn Độ?
04:00, 19/03/2024
Nvidia khó thống trị ngành bán dẫn trong dài hạn?
02:30, 14/03/2024
Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong ngành bán dẫn?
04:20, 08/03/2024
Hàn Quốc và bài học phát triển ngành bán dẫn
04:00, 05/03/2024
Cần tăng tốc “cuộc đua” bán dẫn
02:00, 04/03/2024