Mặc dù Bộ Y tế đã đưa ra nhận định dịch tả lợn châu Phi không lây từ lợn sang người nhưng người tiêu dùng vẫn rất hoang mang và “né” thịt lợn khiến thị trường lợn thịt tại Hà Tĩnh bị xáo trộn.
Người tiêu dùng “né” thịt lợn
Những ngày qua, thông tin về dịch tả lợn châu Phi được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Không ít người dân, nhất là những bà nội trợ tỏ ra e dè thậm chí có người tẩy chay thịt lợn trong thời gian đang phát dịch.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh (nội trợ ở TP Hà Tĩnh) cho biết: "Từ ngày có thông tin về dịch tả lợn châu Phi gia đình tôi không dám sử dụng thịt lợn nữa. Nghe nói bệnh này không lây sang người nhưng cứ dừng cho yên tâm tạm thời chọn thực phẩm khác thay thế, khi nào hết dịch mới dám ăn”.
Không chỉ riêng chị Kim Anh mà đó là tâm lý chung của rất nhiều bà nội trợ tại khu vực TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận. Chính vì tâm lý đó, tại chợ TP Hà Tĩnh mặc dù đã gần trưa nhưng nhiều gian hàng thịt lợn vẫn còn đầy hàng, thỉnh thoảng mới có vài người khách ghé mua.
Chị Nguyễn Thị Hoa (chợ TP Hà Tĩnh) than thở: “Từ ngày có thông tin về dịch tả lợn châu Phi, các gian hàng thịt lợn trở nên ế ẩm. Ngày thường quầy của chị bán ra từ 50 – 60 kg nhưng nay chỉ lèo tèo vài chục ký”.
Cùng chung tình cảnh ế ẩm, tiểu thương Nguyễn Thị Thủy gần đó giãi bày: “Mấy ngày qua, giá thịt lợn đã giảm xuống khoảng 5.000- 10.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó nhưng vẫn không kích cầu được người mua. Thịt lợn chúng tôi bán có nguồn gốc, được sự kiểm chứng của cơ quan chức năng. Thấy khách hàng đi qua tôi có chào mời nhưng họ chỉ lắc đầu, có người nói bao giờ hết dịch rồi ăn”.
Không chỉ tại TP Hà Tĩnh mà các chợ huyện, chợ cóc trên địa bàn tỉnh cũng chẳng khá hơn. Đã hơn 11 giờ trưa nhưng quầy thịt lợn chị Trần Thị Nhân (xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà) vẫn chưa bán hết. Chị chia sẻ: “Ngày thường thời điểm này đã bán hết thịt lâu rồi. Mấy hôm nay có dịch tả lợn châu Phi nên tôi lấy hàng ít hơn mà vẫn không bán hết. Tôi đang tính đóng quầy ít hôm, khi nào hết dịch sẽ mở bán”.
Có thể bạn quan tâm
22:03, 04/03/2019
17:24, 04/03/2019
11:31, 04/03/2019
10:00, 04/03/2019
17:02, 27/02/2019
01:58, 27/02/2019
19:01, 26/02/2019
Lò giết mổ cũng giảm công suất
Người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn buộc các tiểu thương nhập hàng về cũng giảm hơn nhiều. Theo đó, các lò giết mổ trên địa bàn cũng giảm công suất so với trước đây.
Những ngày qua, trung bình mỗi ngày lò giết mổ tập trung thành phố Hà Tĩnh chỉ giết mổ khoảng 25 con lợn thịt, bằng khoảng 1/3 so với trước đây. Mặc dù khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi thì thịt lợn qua các lò giết mổ được kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ giảm nên các tiểu thương đến lấy hàng cũng giảm hơn nhiều.
Anh Trương Hữu Hà – chủ lò mổ tập trung TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Ngay khi thông tin về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã đến phổ biến công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc đầu vào. Vì vậy, công tác này được siết chặt hơn, cả trước và sau giết mổ. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng một số lò mổ tự phát tại gia đình đang hoạt động “chui”, chưa có sự kiểm soát của các ngành chức năng. Đây mới là mối nguy, có thể khiến lợn bị bệnh tuồn vào thị trường”.
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú Y Hà Tĩnh cho biết: “Trước thông tin về dịch tả lợn châu Phi, người dân lo lắng là có cơ sở. Các ngành chức năng đang tích cực siết chặt kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan, ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi lợn. Dù dịch tả lợn châu Phi không lây từ lợn sang người nhưng chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên thực hiện việc ăn chín, uống sôi và mua thịt ở những cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm”.