Các chuyên gia cho rằng, hai bên cần có những giải pháp tối ưu hơn nữa để tận dụng tốt những ưu đãi mà VN - EAEU FTA mang lại.
>>Vì sao xuất khẩu nông sản sang Nga vẫn chưa được như kỳ vọng?
Nông sản Việt Nam vẫn “rộng cửa” vào Nga
LB Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới với dân số 146 triệu người, kim ngạch ngoại thương năm 2021 dự kiến đạt 720 tỷ USD, trong đó nhập khẩu đạt khoảng 280 tỷ USD. Thị trường Nga nhập khẩu hầu hết các sản phẩm nông sản, thủy sản vùng nhiệt đới, trong đó Việt Nam là đối tác lớn nhất tại Đông Âu.
Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu hàng nông thủy sản của Việt Nam sang Nga đã gia tăng đáng kể.
Theo các chuyên gia, ngoài các rào cản phía thị trường Nga khiến các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn như: biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu phía Nga chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế; hàng rào phi thuế quan của Nga quá khắt khe; thủ tục đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu quá phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài…, các doanh nghiệp Việt Nam còn có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông thủy sản sang LB Nga.
Trước hết, tại LB Nga có lực lượng doanh nhân người Việt am hiểu sâu về thị trường, rất năng động, chịu khó tìm tòi các hướng đi mới cho sản phẩm Việt Nam. Trong các năm gần đây, các món ăn Việt đã ngày càng trở nên phổ biến tại Nga, được người tiêu dùng yêu thích. Tại hầu hết các Trung tâm thương mại ở thủ đô và nhiều thành phố lớn của Nga đều có quán ăn Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ, có gần 800 các nhà hàng, quán ăn bán các món ăn, đồ uống và trái cây của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang Nga.
Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại LB Nga, vừa qua Liên minh kinh tế Á - Âu đã đưa 76 nước ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của khối; trong đó có rất nhiều nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Chile, Argentina,... Như vậy, các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh và Nga được hưởng mức thuế ưu đãi theo cam kết tại Hiệp định VN-EAEU FTA, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác vào EAEU và Nga sẽ chịu mức thuế nhập khẩu thông thường.
Ông Tsygankov Kirill - Cố vấn thương mại, đại diện Cơ quan Đại diện thương mại LB Nga tại Việt Nam từng đánh giá, nếu xét đến các phân khúc thị trường có triển vọng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì cơ hội to lớn có thể thấy ở xuất khẩu hàng nông sản như: rau quả tươi và đóng hộp, cà phê, thủy sản, hàng dệt may, đồ gỗ và các sản phẩm ngành chế biến gỗ, đặc biệt là bàn ghế mây dùng ở ngoài trời đang được ưu chuộng ở Nga.
Một phân khúc có triển vọng nữa là thủy hải sản của vùng biển phía Nam của Việt Nam như: tôm hoàng đế, tôm hùm, cá ngừ, cá cam Nhật (Seriola quinqueradiata), cá thu Nhật (Scomberomorus), mực. Các loại hải sản này không cạnh tranh với hàng Nga ở thị trường nội địa, mà ngược lại bổ sung cho các mặt hàng là hải sản vùng nước lạnh phía Bắc. Về vận chuyển thì các mặt hàng này nên vận chuyển bằng đường biển trong container lạnh.
“Việt Nam có cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, thực phẩm. Chúng tôi kêu gọi các bạn Việt Nam tích cực hơn nữa xúc tiến hàng hóa của mình sang thị trường Nga”, ông Tsygankov Kirill nói.
>>Tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu
Đi tìm giải pháp
Để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa song phương, mới đây, đại diện Chính phủ hai bên đã thống nhất sửa đổi một số qui định theo FTA giữa Việt Nam và EAEU tháo gỡ các rào cản kỹ thuật đối nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Nga, trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai bên.
Ông Dương Hoàng Minh, cho rằng, các cơ quan chức năng cần phổ biến biểu thuế và lộ trình cắt giảm thuế quan trong VN - EAEU FTA với các dòng hàng hóa cụ thể đến các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ nắm bắt và tận dụng cơ hội, bởi nhiều mặt hàng nông thủy sản Việt Nam vào Nga đã được cắt giảm thuế quan về 0%, trong khi mặt hàng cùng loại của các nước khác vẫn phải chịu thuế.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu kỹ mặt hàng nào có thể xuất khẩu trực tiếp vào Nga thì xuất khẩu trực tiếp, mặt hàng nào có thể tiến hành hợp tác với các đối tác đầu tư nhà máy chế biến sâu tại Nga để tiêu thụ nhằm khai thác tối ưu cơ hội thị trường thì đi theo hướng đầu tư. Đồng thời, chủ động khảo sát thị trường, tham gia các triển lãm, hội chợ tại Nga để nắm bắt thông tin, thị hiếu người tiêu dùng, kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga để hợp tác, được hỗ trợ thâm nhập thị trường Nga.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Âu-Việt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Belarus cho rằng, cần nâng cao giá trị gia tăng cho nông thủy sản Việt Nam vào thị trường Nga. Việc đầu tư nhà máy để chế biến sâu sản phẩm tại Nga là một hướng đi tốt, không khó khăn, nhưng cần phải có mạng lưới phân phối tốt. Bởi đặc thù hoa quả tươi của Việt Nam là mùa vụ, cần tìm được đối tác có mạng lưới phân phối rộng và phân phối nhanh các sản phẩm tới người tiêu dùng Nga mới hiệu quả.
Ngoài ra, theo ông Hùng, làm ăn với thị trường Nga vẫn còn vướng khâu thanh toán, dù hai bên đã thành lập Ngân hàng Việt - Nga, nhưng thực tế dịch vụ rất chậm trễ, các cơ quan chức năng hai bên cần có biện pháp để tháo gỡ.
Theo ông Lê Trường Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, một số doanh nghiệp Việt cần thay đổi cách tiếp cận thị trường Nga theo hướng chủ động, không phụ thuộc vào đối tác trung gian như vẫn làm. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp muốn xuất khẩu bưởi da xanh vào Nga nhưng lại thông qua xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, sau đó mới xuất khẩu sang Nga.
Bà Regina Budarina - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt cho biết, cơ hội để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Liên bang Nga rất rộng mở, nhất là các loại mặt hàng nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của các nhà sản xuất Việt Nam chưa được biết tới nhiều tại Nga và chưa có nhiều kênh tiêu thụ dù nhu cầu thị trường rất lớn. Do đó, khách hàng có nhu cầu đều phải ra chợ Việt Nam hay các quán cà phê của người Việt tìm mua.
Phân tích trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm Việt Nam, bà Regina Budarina cho rằng để tiếp cận thị trường Nga, các doanh nghiệp Việt Nam cần đi theo con đường ngắn nhất là đẩy mạnh nghiên cứu thị trường. Tuy ban đầu các doanh nghiệp phải bỏ chi phí nhiều cho hoạt động này nhưng trong tương lai sẽ giúp ích nhiều cho các hoạt động của doanh nghiệp tại Nga.
“Đồng thời, các tổ chức của doanh nghiệp Việt Nam nên tổ chức thường xuyên các hội nghị chuyên đề, triển lãm… để các thương hiệu Việt đến gần hơn tới thị trường Nga. Mặt khác, nhằm giảm chi phí vận chuyển, doanh nghiệp nên nghiên cứu vận chuyển bằng đường sắt qua Trung Quốc; lập thêm văn phòng thương mại Việt – Nga để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trao đổi kinh nghiệm” – bà Regina Budarina chia sẻ thêm.
Mới đây, trong chuyến thăm chính thức LB Nga (từ 29/11 đến 2/12), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hợp tác nông nghiệp giữa hai nước và việc Nga trở thành nhà xuất khẩu thịt lớn vào thị trường Việt Nam. Chủ tịch nước hoan nghênh đề xuất của tập đoàn Miratorg về việc mở rộng hợp tác hai bên trong nông nghiệp, khi nông sản hai nước có tính bổ trợ tốt cho nhau chứ không cạnh tranh, đáp ứng lợi ích của hai nước.
Chủ tịch nước cho rằng không gian hợp tác của từng ngành kinh tế còn rất lớn. Việt Nam có thể tiếp tục nhập khẩu lúa mì hay thịt lợn từ Nga, nhưng cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm và sản phẩm khác mà Việt Nam sản xuất được. Bởi Nga có diện tích rộng lớn nhưng xuất khẩu nông sản mới chỉ đạt 30 tỷ USD mỗi năm, còn Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD, nên có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm