Đại diện doanh nghiệp mong muốn sớm có giá FIT mới cho điện gió, những dự án đã và đang thi công nhưng trễ tiến độ 31/10 vừa qua, để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án.
>> [TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
Ngày 26/11, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Dương Quốc Thái, Phó tổng giám đốc vận hành Tập đoàn Super Energy, nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh cho biết, hy vọng trong năm tới đây, tình hình kinh tế phát triển và với sự giúp đỡ thêm nữa của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ giải phóng được công suất cho các nhà máy điện mặt trời. Vì hiện tại tập đoàn Super Energy cũng bị cắt giảm công suất ở các nhà máy dự án năng lượng mặt trời rất nhiều.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đang cực kỳ quan tâm đến chính sách, cơ chế mới của Chính phủ, Bộ Công Thương, cũng như EVN về hệ thống lưu trữ năng lượng bằng ác-qu. Theo ông Thái, ngay từ thời điểm năm 2019, khi việc cắt giảm công suất lớn diễn ra, Super Energy cũng đã tập trung nghiên cứu về hệ thống này và mong chính phủ Việt Nam sớm có cơ chế, để tập đoàn tiến hành đầu tư.
“Đồng thời, chúng tôi rất mong Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN sớm có giá FIT mới cho điện gió, những dự án đã và đang thi công nhưng trễ tiến độ 31/10 vừa qua, tập đoàn chúng tôi cũng như các doanh nghiệp khác rất mong sớm có giá điện mới để tiếp tục thực hiện dự án”, ông Thái bày tỏ.
Về vấn đề giá điện, ông Cao Tuấn Anh, Phó trưởng ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lý giải, giá mua theo quy định của Chính phủ với giá mua điện hiện nay đang là mức giá cao so với các nguồn khác và mức giá này cũng ảnh hưởng đến cân đối tài chính chung của Tập đoàn EVN. Còn vấn đề về tham gia vào xã hội hóa cũng đã được nhiều bên liên quan kiến nghị.
“Hiện nay, chúng tôi biết rằng Bộ Công Thương và Chính phủ cũng đang xem xét việc xã hội hóa và sự tham gia của các thành phần khác vào hệ thống truyền tải. Do đó, EVN cũng đang chờ quyết định của các cơ quan có thẩm quyền và tuân thủ các quy định”.
Còn theo GS.Hà Tôn Vinh, một trong những đề nghị mà trước đó đã đưa ra, có hai vấn đề: Một là ngành điện phải có tiền để phát triển đáp ứng nhu cầu của đất nước và xã hội.
Hai là người dân có nhiều người rất nghèo, không thể trả được số tiền điện sử dụng, Ngân hàng Thế giới đã từng có đề nghị Việt Nam phải cho EVN bán điện với giá điện mà EVN có lời. Trong quá trình bán điện, phải có một phần tiền trích ra để vào quỹ dùng hỗ trợ cho người nghèo, chứ không thể vừa bán giá điện thấp mà lại vừa bán cho người nghèo.
“EVN không thể vừa thương mại lại vừa gánh vai trò xã hội mà vai trò đó là của Chính phủ, cho nên trong ngành điện phải có quỹ để trợ giá cho người nghèo, thì như vậy có thể dung hòa được hai khái niệm vừa có lời vừa đảm bảo an sinh xã hội”, GS Hà Tôn Vinh khuyến nghị.
>> Cần làm gì để thực hiện cam kết phát thải khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050?
Về phía ông Nguyễn Ninh Hải, Trưởng phòng năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: “Từ nghiên cứu về lưu trữ, đấu thầu, PPP, nghiên cứu cơ chế một cửa, thì chúng tôi đã nghiên cứu hai năm vừa qua. Những vấn đề này đã được Ngân hàng Thế giới, ngân hàng ADB hỗ trợ, tuy nhiên có rất nhiều vướng mắc, và chưa tìm được cách giải quyết hợp lý.
Đặc biệt khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19, việc cắt giảm công suất điện xảy ra, các doanh nghiệp kiến nghị và chúng tôi cũng rất trăn trở, muốn chia sẻ những khó khăn đó, nhưng lại xuất hiện làn sóng chỉ trích cực mạnh với những người làm chính sách, do đó, vấn đề hiện nay là mọi việc phải cực kỳ thận trọng trong quá trình triển khai trong thời gian tới”.
Về giải pháp tổng thể, đại diện một sự án năng lượng điện tại Phú Yên đóng góp ý kiến rằng, hiện nay ở Việt Nam có 8.324 xã nông thôn, trong khi câu chuyện 4.0 và công nghệ bùng nổ mạnh mẽ. Vậy có thể sản xuất phân tán điện với các xã này bằng cách sản xuất điện sinh khối tái tạo, liên kết các xã ở nông thôn lên trên hệ thống Internet và như thế, có thể đầu tư toàn xã hội vào việc này, thậm chí từ đó giải quyết thêm được các câu chuyện phát triển nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Công bố kết quả bình chọn các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu 2021
16:54, 26/11/2021
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Để phát triển bền vững cần tăng cường nội địa hóa
16:45, 26/11/2021
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Cần nâng cấp lưới điện và tăng cường liên kết vùng
16:16, 26/11/2021
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Cần khơi thông chính sách
16:13, 26/11/2021
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Dự án năng lượng bị cắt giảm công suất sẽ "kìm chân" dòng đầu tư
14:44, 26/11/2021
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
11:34, 26/11/2021