Năm 2022, dự báo làn sóng các doanh nghiệp có vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, giúp ngành điện tử gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
>>Top 5 địa phương đang thu hút FDI ra sao?
Trên thực tế ngành điện tử của Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn, hãng điện tử lớn trên thế giới vào đầu tư như Canon, Foxconn, Petragon, Samsung, Meiko, LG…. Dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn liên tục thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử, từ đó thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng liên tục cấp phép cho các dự án mới và điều chỉnh tăng vốn trong lĩnh vực này, đồng thời khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2016- 2020, ngành điện tử và linh kiện đã phát triển rất mạnh mẽ với các dự án đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG đã đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao với quy mô lớn ở Việt Nam.
Cụ thể, Tập đoàn Samsung đến từ Hàn Quốc đã bắt đầu hoạt động sản xuất tại Việt Nam từ năm 2008 với dự án đầu tư đầu tiên là Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh. Sau đó, Samsung Việt Nam tiếp tục xây dựng một nhà máy sản xuất lớn nữa ở Thái Nguyên (SEVT). Hoạt động sản xuất của 2 nhà máy này đóng góp rất nhiều vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Samsung và ngân sách địa phương. Đây cũng là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn thế giới.
Tương tự, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) cũng là một tập đoàn lớn đã đầu tư hoạt động ở Việt Nam từ năm 1995. Đến nay, LG sở hữu 3 nhà máy sản xuất các mặt hàng chính của LG bao gồm: LG Electronics Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử; LG Innotek Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất và bán các linh kiện điện tử và LG Display Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất màn hình LCD và OLED.
Tiếp đó là Intel products Việt Nam-dự án đầu tư của Mỹ từ năm 2006 và đi vào hoạt động vào năm 2010. Đây là khoản đầu tư về công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam với hơn 1 tỷ USD, đưa Intel products Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Intel trên toàn thế giới. Đầu năm 2021, Intel đã tăng vốn thêm 475 triệu USD.
Tập đoàn Foxconn được biết đến là đối tác cung ứng, sản xuất linh kiện chính của Apple, chuyên sản xuất các thiết bị liên quan đến máy tính, hàng điện tử, công nghệ thông tin…, các sản phẩm của Apple được gia công, sản xuất ở Việt Nam như AirPods, Apple Watch, iPad, Macbook.
>>Thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới
Hay như Công ty TNHH Canon Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Canon (Nhật Bản) với các sản phẩm chính là máy in. Canon Việt Nam hoạt động từ năm 2001 và đến nay có 3 nhà máy sản xuất chính gồm: Nhà máy Thăng Long (Hà Nội) chuyên sản xuất các loại máy in phun, máy quét ảnh; Nhà máy Quế Võ (Bắc Ninh) chuyên sản xuất các loại máy in lazer; Nhà máy Tiên Sơn (Bắc Ninh) chuyên sản xuất các loại máy in phun…
Theo Bộ Công Thương, ngành điện tử và linh kiện ở Việt Nam dù mới hình thành nhưng tăng trưởng rất mạnh mẽ. Việt Nam đã vươn lên nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử chủ chốt, từ mức thứ 47 trong năm 2001 lên vị trí thứ 11 trong năm 2020.
Việc các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng các dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử và thu hút thêm các nhà đầu tư mới cho thị trường nước nhà trong năm 2022.
Dù gần đây “khẩu vị” của các nhà đầu tư đã có những thay đổi, song chế biến, chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất. “Việt Nam đang đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2022, khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Đánh giá về xuất khẩu điện thoại và linh kiện, TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2022, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu điện thoại và linh kiện sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi kinh tế thế giới phục hồi. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng của GDP thế giới, ước tính nếu GDP thế giới tăng 1% thì xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 5%. Do vậy nếu GDP các nền kinh tế lớn tăng trưởng trung bình 4% trong năm sau thì xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể dễ dàng đạt được khoảng 16-20%.
Đáng chú ý, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh các nước thành viên khác có tiềm năng của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia. Đặc biệt, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…
Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử và đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: "Đầu bảng" thu hút FDI đến từ sự cải cách mạnh mẽ
11:03, 03/01/2022
Top 5 địa phương đang thu hút FDI ra sao?
04:00, 28/12/2021
Thu hút FDI sẽ khởi sắc?
04:00, 29/11/2021
Thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới
05:00, 09/10/2021
Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc
19:32, 06/09/2021
Cần sự điều chỉnh chiến lược trong thu hút FDI
04:00, 03/09/2021
Thu hút FDI trong lĩnh vực cơ khí: (Kỳ 2) "Nuôi dưỡng" để đón sóng hội nhập
11:00, 11/08/2021