Tháng 1 năm 2018, Việt Nam ghi nhận 166 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới với tổng vốn đăng ký khoảng 442 triệu USD, bằng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, 61 dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 456,78 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2017 theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài.
Các dự án tiêu biểu của dòng vốn FDI trong tháng 1/2018 phải kể đến dự án của Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD và Dự án nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Nam Định. Hai dự án này cho thấy, câu chuyện lựa chọn thu hút dòng vốn FDI đã dần có sự thay đổi.
Dòng vốn đang thay đổi
Còn nhớ, năm 2017, Việt Nam đã ghi nhận những con số kỉ lục về thu hút FDI đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Có được điều này, phải kể đến những cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh mà cụ thể việc Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định Quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này sẽ phần nào mở đường cho “làn sóng” đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.
Trước đó, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng từng nhận định: “Với việc thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới trong nước, cải cách thể chế với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, sau thành công của sự kiện APEC, cộng đồng kinh doanh quốc tế đang quan tâm rất nhiều đến Việt Nam”.
Theo đúng lộ trình
Năm 2017 Việt Nam cũng ghi nhận những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI với kỳ vọng không chỉ thiên về lượng mà còn hướng vào “chất”.
Ông Simon Bell - Cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư Ngân hàng Thế giới (WB) từng nhận định: Việt Nam cần có có cách tiếp cận mới để thu hút đầu tư dựa vào năng lực, đổi mới, môi trường kinh doanh và thiên nhiên tốt. Đây chính là nền tảng để có chiến lược thu hút FDI thế hệ mới tập trung vào nội hàm chất lượng. Còn các nhà đầu tư theo xu hướng tìm kiếm thị trường chắc chắn sẽ đến mà không cần phải quảng bá hay ưu đãi nếu đất nước có nguồn lực hấp dẫn và thị trường lớn”.
Cũng theo ông Simon Bell, Việt Nam cần sản xuất thiết bị gốc và cung cấp thiết bị vận tải, ô tô, công nghệ môi trường. Trong trung hạn, Việt Nam phát triển kỹ năng sản xuất, chế tạo dược phẩm và thiết bị y tế, dịch vụ công nghệ tài chính, tiếp tục phát huy thế mạnh của ngành nghề đang có như lắp ráp điện tử, dệt may, da giày”.
Quay trở lại hai dự án đầu tư mới và mở rộng vốn đầu tư FDI trong tháng 1/2018 có thể thấy, có thể những tác động lan toả từ chiến lược thu hút FDI thế hệ mới chưa thể có tác động ngay lập tức, song những dấu hiệu từ các dự án vào dệt may, công nghiệp chế tạo khiến chúng ta có quyền kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ sớm đi vào “chất”.