Bộ trưởng nói và cho biết khả năng quy hoạch đường cao tốc sẽ có thể lên tới 10.000 km. Với kinh phí lớn như thế, ngân sách nhà nước sẽ không đủ khả năng đáp ứng.
Thu phí đường cao tốc là một nội dung được chú ý trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Thảo luận tại về dự Luật này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể lý giải, thu phí đường cao tốc có mục tiêu nhằm đầu tư, phát triển hệ thống đường cao tốc.
Theo quy hoạch đường cao tốc hiện nay, Việt Nam sẽ có khoảng 6.400 km. Tuy nhiên, thực tế đến nay mới xây dựng được 1.200 km, tính thêm cả kế hoạch xây dựng và chuẩn bị khởi công, quy mô mới đạt được khoảng 2.000 km. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá quy hoạch này đã lạc hậu.
"Quy hoạch 6.400 km đường cao tốc đã lạc hậu, bởi khi đường cao tốc vận hành việc thu hút phát triển kinh tế sẽ rất nhanh. Nhiều địa phương đã kiến nghị điều chỉnh lại quy hoạch đường cao tốc, cần có các tuyến kết nối trung tâm tỉnh, trung tâm vùng kinh tế lớn để đáp ứng yêu cầu vận tải nhanh", Bộ trưởng nói và cho biết khả năng quy hoạch đường cao tốc sẽ lớn hơn con số 6.400km rất nhiều, có thể lên tới 10.000 km.
Đánh giá ngân sách nhà nước sẽ không đủ khả năng đáp ứng kế kế hoạch này, trong khi việc huy động vốn xã hội gặp khó khăn, vì thế, Chính phủ chủ trương đưa vào điều khoản thu phí đường cao tốc.
Đặc biệt, Tư lệnh ngành GTVT cho biết, việc thu phí là mục tiêu điều tiết lưu lượng giao thông.
Ví dụ về cao tốc TP HCM - Trung Lương, sau khi dừng thu phí, Bộ trưởng cho biết việc quản lý tuyến đường này gặp nhiều khó khăn. Nhiều phương tiện không đảm bảo yêu cầu vẫn tham gia, đường cao tốc thiết kế tốc độ di chuyển 100 km/h, nhưng thực tế vận tốc dòng xe chỉ đảm bảo 50-60 km/h, không đúng tiêu chuẩn…
"Chúng ta thu phí sẽ điều tiết được giao thông, tránh để đường cao tốc trở thành đường bình thường. Phương tiện nào cần thiết đi nhanh mới đi cao tốc, nếu không cần thiết, họ có thể đi trên đường quốc lộ", Bộ trưởng nói.
Trước đó, trao đổi với DĐDN, PGS TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam khẳng định, nếu được tổ chức thu phí sử dụng các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu được cả chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Cần sớm triển khai thu phí sử dụng các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư để không tiếp tục lãng phí một nguồn lực lớn.
"Hiện chúng ta không thu phí được do gặp vướng mắc trong cơ sở pháp lý là Luật Đầu tư công không cho phép thu phí các công trình từ nguồn vốn đầu tư công kể cả vốn vay ODA. Do đó, để sớm triển khai thu phí sử dụng các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư mà yêu cầu trước hết là điều chỉnh Luật Đầu tư công. Luật Đầu tư công cần theo hướng nếu đường cao tốc đạt chuẩn, có đường song hành hay đường gom cho người dân đi thì phải thu phí dù là đầu tư công hay ODA", Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng thời lưu ý, việc thu phí cũng cần đảm bảo nguyên tắc thu phí đường cao tốc là chỉ thu phí đối với các đường cao tốc khi đường cao tốc này nối 2 điểm mà có đường quốc lộ do ngân sách nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn.
Đặc biệt, chuyên gia đánh giá, các nhà đầu tư xã hội sẵn sàng tham gia đầu tư khi một tuyến đường có sự đầu tư của nhà nước và nhà nước cùng thu phí. Chính việc không thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư mới gây khó khăn cho nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy, thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư có thể giúp thu hút nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 04/11/2020
01:50, 31/10/2020
04:00, 08/10/2020
04:20, 07/10/2020
14:29, 05/10/2020
04:50, 29/08/2020
15:00, 27/08/2020