Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý.
>>>Chênh lệch lãi suất sẽ sớm thu hẹp?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai ngay và thực hiện tốt các nhiệm vụ, công việc. Trong đó, với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Ngân hàng Nhà nước quán triệt và quyết liệt triển khai đầy đủ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất, thị trường vàng..., các Công điện số 1426, 23 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Công điện số 18 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để dự báo và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.
>>>Lãi suất, tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024
Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay:
Triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.
Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.
Dành thời gian, công sức tập trung rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có giải pháp tín dụng phù hợp đối với các dự án BOT, BT giao thông khả thi, hiệu quả, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách...
Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng như: Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình tín dụng góp phần thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 120,000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ để góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"…
Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.
Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023, đảm bảo kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn gặp khó khăn, đồng thời không để trục lợi, làm sai quy định và sai lệch bản chất, nợ xấu.
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo quan điểm "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Chỉ thị của Thủ tướng đặt ra yêu cầu quan trọng đối với hệ thống tín dụng - hệ thống có ý nghĩa lớn trong đà phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Bởi theo thống kê, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó, một mặt tín dụng vẫn hấp thu yếu, một mặt khả năng tiếp cận vốn vẫn còn hạn chế.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về giảm lãi suất vay sẽ thử thách không nhỏ đối với các ngân hàng khi giá vốn đầu vào đang có tín hiệu tăng lên.
Trong tháng 4, đã có 16 ngân hàng gồm HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB tăng lãi suất tiết kiệm tùy kỳ hạn. Trong đó, VPBank và KienLong Bank là ngân hàng có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn. VietinBank là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big4 tăng lãi suất tiết kiệm. ACB là ngân hàng vừa có khởi động tăng tiếp lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn ngay sau kỳ nghỉ lễ áp dụng từ tháng 5.
Mặc dù mặt bằng lãi suất tiền gửi dân cư chưa thực sự thiết lập nấc thang mới, song sự sụt giảm kể từ đầu năm so với cùng kỳ năm trước, cộng với tỷ giá vẫn neo cao và lãi suất liên ngân hàng lên cao ngang với lãi suất huy động thị trường 1, khiến lo ngại về xu hướng tăng lãi suất đầu vào sẽ còn diễn ra.
Kinh tế gia trưởng của VinaCapital, ông Michael Kokalari, CFA dự báo vào cuối năm, lãi suất tiền gửi sẽ tăng 50-100 điểm cơ bản. Song đến hiện tại, hầu hết giới chuyên môn đều nghiêng về kịch bản ít có khả năng nhà điều hành sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành đang được áp dụng hiện nay, đặc biệt với các công cụ lãi suất tác động trực tiếp đến mặt bằng đầu vào và đầu ra tiền gửi - tiền vay.
Theo đó, nỗ lực của các nhà băng sẽ rơi vào trọng tâm tiết giảm chi phí (như chỉ đạo rất cụ thể của Thủ tướng), để bù đắp việc giữ và giảm lãi suất cho vay ở mức thấp, tránh tác động giảm NIM ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận ngân hàng. Hơn lúc nào đây sẽ là bài toán khó mà ngành ngân hàng bắt buộc phải hóa giải, nhằm đảm bảo tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Có thể bạn quan tâm