Trước những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế trả lời rõ, không được để doanh nghiệp chờ đợi lâu…
>>Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đồng hành cùng doanh nghiệp cải cách thủ tục thuế, hải quan
Theo đó, tại Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - Hải quan 2021” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 08/12/2021, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đã nêu những kiến nghị, vướng mắc liên quan tới chính sách và thủ tục hành chính thuế - Hải quan. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu phải trả lời rõ những kiến nghị, vướng mắc cho các doanh nghiệp được biết để kết luận rõ ràng, không để doanh nghiệp phải chờ lâu.
Cụ thể, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bắc Ninh, Công ty Hanaka cho biết, doanh nghiệp phải nhập khẩu giấy cách điện, cách nhiệt để sản xuất máy Biến áp, trước nay vẫn áp dụng mã HS với thuế suất nhập khẩu là 5% cho loại giấy này, tuy nhiên đoàn kiểm tra sau thông quan xác định là loại giấy Crap nên yêu cầu phải áp dụng theo mã khác với thuế suất nhập khẩu 15%, do đó phải truy thu thêm khiến doanh nghiệp rất khó khăn.
“Chúng tôi đã mời đoàn kiểm tra xuống trực tiếp nhà xưởng để thăm quan quy trình sản xuất máy Biến áp, trong thực tế loại giấy này không thể sử dụng cho việc gì khác ngoài sản xuất máy Biến áp, mặc dù các thành viên đoàn kiểm tra rất hiểu và thông cảm cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải áp theo biểu thuế xuất nhập khẩu”, đại diện Công ty Hanaka chia sẻ.
Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết thêm, liên quan đến quy trình chữ ký trên CO, phía Hải quan nói không chính xác do đó phải chờ để xác minh.
“Không biết quá quá trình xác minh diễn ra như thế nào bởi đã 10 tháng rồi nhưng doanh nghiệp chưa nhận được thông báo kết quả xác minh”, đại diện Công ty Hanaka nói.
>>Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021
Cũng tại Hội nghị, doanh nghiệp này bày tỏ sự lo lắng liên quan tới khoản phí các hãng tàu hiện nay rất lớn. Nguyên nhân được cho là hàng xuất lớn hơn hàng nhập, do đó các hãng tàu tính phí vận chuyển Container rỗng đi.
“Điều này rất vô lý bởi không có đơn vị nào xác minh được rõ tàu chở container hàng hay container rỗng”, vị đại diện này nói.
Liên quan tới việc truy thu 15% thuế giấy cách điện, cách nhiệt do thay đổi mã HS, ông Mai Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã nhận được báo cáo liên quan đến việc này và sẽ kiểm tra lại toàn bộ sự việc để có câu trả lời cho doanh nghiệp.
Đối với việc xác minh CO, ông Thành cho biết, khi nào Tổng cục có kết quả xác minh bên nước ngoài sẽ có thông báo tới doanh nghiệp.
“Hiện nay số lượng phải xác minh là quá ít, Tổng cục cũng đã cải tiến để tránh thiệt hại cho doah nghiệp”, ông Thành nói.
Liên quan tới việc xác minh container rỗng hay có hàng khi tàu nước ngoài đến Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục đồng tình và sẽ đấu tranh cùng doanh nghiệp liên quan tới việc này...
“Có thể nói, khoản phí này của các doanh nghiệp Việt Nam đang bị chiếm đoạt một cách ngang nhiên”, ông Thành nói.
Liên quan tới kiến nghị này của đại diện Công ty Hanaka, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, mặc dù đây là việc vượt ngoài thẩm quyền của Bộ Tài chính, tuy nhiên, Bộ sẽ phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng với kiến nghị của công ty Hanaka về việc bị truy thu 15% thuế nhập khẩu giấy cách điện do thay đổi mã HS, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trả lời phải có câu trả lời rõ ràng, không để doanh nghiệp phải chờ lâu và báo cáo Bộ Tài chính trong tháng 12 này.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC bày tỏ sự khó khăn, vướng mắc về thực hiện khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế: quy định nộp 75% Thuế TNDN và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm, trước thời điểm trước ngày 31/10 hàng năm.
Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế cũng đã nhận được những kiến nghị tương tự. Hiện tại, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn nợ thuế, tạm thời chưa quy định xử phạt trong trường hợp tạm nộp thấp hơn 75%...
“Thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ có đề xuất Chính phủ đề nghị sửa đổi Nghị định này”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói.
Với ý kiến của đại diện Công ty CP Bảo hiểm Quân đội về việc Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế GTGT đối với doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, cụ thể giảm 30% mức thuế suất giá trị gia tăng (đối với mặt hàng dịch vụ, ăn uống...) trong thời gian từ 1/11/2021-31/12/2021, nhưng nhiều đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ chưa cập nhật hệ thống phần mềm, vẫn phát hành hóa đơn GTGT 10%.
Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Xuân Bách cho biết, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi các Cục Thuế có biện pháp kiểm tra, kiểm soát…“Đối với doanh nghiệp chưa cập nhật, trường hợp xuất hóa đơn chưa đúng thì phải điều chỉnh, yêu cầu các cục thuế kiểm tra ngay, nếu đã bán thì phải trả lại 30% cho người tiêu dùng”.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đồng hành cùng doanh nghiệp cải cách thủ tục thuế, hải quan
14:30, 08/12/2021
[TRỰC TIẾP] Hội nghị đối thoại về chính sách thủ tục thuế, hải quan năm 2021
14:03, 08/12/2021
Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021
11:22, 08/12/2021
Đẩy mạnh cơ chế một cửa ASEAN trong lĩnh vực hải quan
15:00, 08/12/2021