Thủ tục hành chính: Cần một "tối hậu thư"

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 01/06/2020 06:00

Phải chăng, cái mà nền hành chính Việt Nam đang thiếu không phải là trình độ, năng lực, khung pháp lý mà là phẩm chất, đạo đức, lương tâm...?

Khi làm thủ tục phá sản công ty TNHH để thành lập Doanh nghiệp tư nhân, anh T, (kinh doanh thiết bị điện tử ở một tỉnh ở Miền Tây Nam bộ) đã tham khảo qua mạng và văn phòng luật sư để chuẩn bị các thủ tục liên quan.

Nhưng đến “cửa quan” anh vẫn bị “hành”, họ đòi thêm một vài giấy tờ không nằm trong danh mục quy định. Bất quá, anh ra cửa bê nguyên một kẹp giấy trên bảng hướng dẫn thủ tục hành chính vào đối chiếu...thế là mọi chuyện êm xuôi.

Thực tế, không phải người dân nào cũng có đủ hiểu biết pháp luật và “kỹ năng làm việc với cơ quan công quyền” như anh T. Ở phường, xã, xin cái giấy chứng tử, khai sinh, thậm chí công chứng giấy tờ mất một vài ngày là chuyện thường tình.

Trường hợp của anh T được liệt vào thể loại “thừa giấy vẽ voi” - để làm gì thì chỉ có người thừa hành công vụ biết rõ. Còn đối với rất nhiều người dân ít nắm bắt luật pháp, họ phải chấp nhận câu trả lời mà đôi lúc họ không biết sai hay đúng.

Trung tâm hành chính công là bước đột phá cải cách thủ tục hành chính trên phương diện kỹ thuật

Trung tâm hành chính công là bước đột phá cải cách thủ tục hành chính trên phương diện kỹ thuật

Tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) có trường hợp đôi vợ chồng già ròng rã suốt 25 năm đi tìm công lý cho mảnh đất mình đang ở. Năm 1995 cơ quan cấp huyện đã ban hành quyết định thu hồi 1.317m mét vuông đất của họ để giao cho một trường tiểu học.

Thế nhưng mãi đến năm 2020 - tức là 25 năm sau, qua bao nhiêu nhiệm kỳ lãnh đạo, biết bao nhiêu diễn đàn tiếp xúc, Chủ tịch đương kim tỉnh Đồng Nai là ông Cao Tiến Dũng (mới nhậm chức Chủ tịch tháng 8/2019) đã rà soát lại hồ sơ và chỉ đạo sửa quyết định trên; cấp sổ đỏ và bồi thường, hỗ trợ cho gia đình này!

Một phần tư thế kỷ, đủ để một người mới bước chân vào môi trường hành chính trưởng thành và có chức vụ lãnh đạo, thời gian đó quá dài để họ có thể tạo ra tiếng thơm muôn thuở hay để lại mớ bùng nhùng mà cũng có thể 25 năm sau nữa, thế hệ kế cận chưa chắc giải quyết xong!

Đó chỉ là một trong vài ví dụ về tình trạng rườm rà rắc rối, chậm chạp trong giải quyết thủ tục hành chính. Nỗ lực cũng rồi, quyết tâm cũng rồi, nghiêm khắc, mặn ngọt đủ điều, nhưng tại sao vẫn chưa thông thoáng?

Năm 2018, trên nhiều tờ báo phát lộ hình ảnh được cho là tại Hải Quan Hải Phòng - nhân viên thừa hành, mặc sắc phục nhận những “vật dụng”, “phong bao” mà 100% ai cũng nghĩ đó chính là...polymer.

Những hình ảnh được cho là tại Hải Quan Hải Phòng (Ảnh: Laodong.vn)

Những hình ảnh được cho là tại Hải Quan Hải Phòng (Ảnh: Laodong.vn)

Theo Dantri.vn, ngày 12/5/2020, báo chí xứ sở hoa anh đào đưa tin Công ty Tenma Nhật Bản đã khai báo với các nhà chức trách Nhật về việc công ty con là Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên (5,4 tỷ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam [1].

Số tiền này được cho là “sáng kiến... đánh đổi” việc công ty này phải nộp khoản thuế giá trị gia tăng cho Nhà nước Việt Nam khoảng 400 tỷ đồng.

Dù không nhiều, nhưng những thực tại trên đây cũng đủ căn cứ để trả lời cho câu hỏi: Vì sao việc cải cách thủ tục hành chính gặp quá nhiều khó khăn trở ngại trong thực tiễn ngay cả khi quyết tâm của Chính phủ, Nhà nước đã là rất cao!

Mấy chục năm trôi qua, tỉnh Đồng Nai có vài đời Chủ tịch, nhưng rất may ông Dũng không “bận trăm công nghìn việc” như những người tiền nhiệm. Ông còn dành chút ít thời gian quý báu để soi xét cho trường hợp cụ thể.

Và đó, suy cho cùng không phải là nhiệm vụ của ông Chủ tịch, mà đó là việc của hàng chục cơ quan tham mưu, giúp việc; hàng ngàn công chức thừa hành công vụ. Liệu ông Chủ tịch có đủ thời gian giải quyết cho “từng trường hợp” riêng rẽ? Liệu chổ nào cũng giống Đồng Nai? Chắc chắn là không!

Với vụ việc như Tenma Việt Nam (nếu có) thì quả thật nền hành chính nước ta đã lún rất sâu vào “lợi ích nhóm” rồi. Đó không chỉ là khi nhà nước mất mấy trăm tỷ tiền thuế, mà là sĩ diện, hình ảnh quốc gia đối với quốc tế.

Đã đến lúc cần một “tối hậu thư” như TPHCM, “15 ngày không trả lời coi như đồng ý”. Sáng kiến này hy vọng việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp được nhanh hơn, tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu…

Cái hay của sáng kiến này là nó như một “cơ chế tự động”, sau khoảng thời gian quy định, nếu hồ sơ còn trong ngăn kéo thì nếu có việc gì xảy ra, mọi cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm.

Nhưng ngẫm lại cũng thấy đắng đót không kém phần, lẽ ra, với lương tâm, đạo đức công vụ, chúng ta không cho phép tồn tại “sai số” lớn như vậy!

Luật Cán bộ, công chức đã quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ công vụ. Tại sao nó không thể phát huy tác dụng mà phải cần đến một “cơ chế tự động” để thúc đẩy lương tri con người?

Chúng ta từng có rất nhiều “cửa”, vậy nên mới khiến người dân, doanh nghiệp đi nhiều nơi, tốn kém đủ đường. Nay tất cả thực hiện “một cửa”, rồi thì có người ví von “một cửa nhưng cần nhiều chìa khóa”.

Phải chăng, cái mà nền hành chính Việt Nam đang thiếu không phải là trình độ, năng lực, khung pháp lý mà là phẩm chất, đạo đức, lương tâm...?

Nguồn: [1] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dinh-chi-cong-tac-lanh-dao-cuc-hai-quan-bac-ninh-vu-nghi-nhan-hoi-lo-20200526193539411.htm

Có thể bạn quan tâm

  • Cải cách thủ tục hành chính: Cần chia sẻ “quyền lực”

    Cải cách thủ tục hành chính: Cần chia sẻ “quyền lực”

    04:00, 24/05/2020

  • DDCI - Động lực trong cải cách thủ tục hành chính

    DDCI - Động lực trong cải cách thủ tục hành chính

    04:30, 17/04/2020

  • [eMagazine] Bỏ sổ hộ khẩu, dấu mốc tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính

    [eMagazine] Bỏ sổ hộ khẩu, dấu mốc tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính

    15:02, 23/04/2020

  • Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế

    Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế

    00:00, 16/03/2020

  • Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính,

    Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, "cởi trói" cho doanh nghiệp

    04:50, 07/02/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tục hành chính: Cần một "tối hậu thư"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO