Lưu ý Bộ NN&PTNT, Bộ đầu tiên tổ chức hội nghị tổng kết trong năm nay, Thủ tướng nêu rõ: “Các ông nông nghiệp phải quần xắn móng lợn, lội ruộng với nông dân, hỏi lão nông tri điền làm gì để mình biết, chứ không phải mình nghiên cứu giấy tờ suốt”.
Có thể bạn quan tâm |
Sáng nay, 4/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch 2018 của ngành NN&PTNT.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và các doanh nghiệp, hiệp hội về nông nghiệp.
Cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng đã đến dự, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2017, Thủ tướng đã dự 17 hội nghị của ngành nông nghiệp, giúp ngành tháo gỡ khó khăn và truyền cảm hứng để ngành nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Những bài toán đau đầu của ngành nông nghiệp
Theo báo cáo do Bộ trưởng trình bày, năm qua, ngành NN&PTNT đã đạt 7 kết quả nổi bật, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 36 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Ngành cũng còn 5 tồn tại, hạn chế, như tình trạng cung vượt cầu ở một số sản phẩm (thịt lợn, dưa hấu), nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Hội nhập quốc tế sâu rộng tiếp tục đem lại nhiều thách thức cho hàng nông sản như việc EU “rút thẻ vàng” đang là thách thức lớn với thủy sản Việt Nam. Vốn đầu tư cho ngành và cho Bộ thấp hơn nhiều so với nhu cầu, nhất là vốn hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành. Năm 2018, ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8-3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37-38 tỷ USD.
“Như đồng chí Nguyễn Xuân Cường đã nêu, tôi đã nhiều lần phát biểu và đã chủ trì 5 hội nghị lớn, từ rau củ quả, nông nghiệp hữu cơ đến lúa gạo chất lượng cao, phát triển dược liệu, sản xuất tôm, phát triển bền vững ĐBSCL. Từ những hội nghị như vậy, đã đi sâu vào các giải pháp, chủ trương, quyết sách lớn”, Thủ tướng cho biết và đánh giá, báo cáo tổng kết của Bộ NN&PTNT đã nhìn thẳng sự thật, nói cả thành tích và tồn tại, hạn chế.
Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, đóng góp của ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2017, GDP toàn ngành tăng 2,9%, đóng góp đến 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Một số lĩnh vực rất thành công, như lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau, củ quả đã vượt cả lúa gạo, dầu thô. Thặng dư thương mại trong nông nghiệp đạt 8,55 tỷ USD. Có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ngành đã tích cực tham gia công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh năm 2017 có nhiều đợt bão lũ.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Biểu dương nỗ lực của ngành NN&PTNT, Thủ tướng nhắc lại câu “mà báo chí gần đây nói nhiều, là đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, thành tích trên chỉ mới là bước đầu, chúng ta còn nhiều bất cập. Đó là tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ. Trồng trọt theo thói quen còn phổ biến ở nông thôn. Vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn. Năng suất lao động còn thấp, kéo theo năng suất lao động của đất nước xuống thấp.
“Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42%, nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%. Đây là bài toán đau đầu của các ngành, các cấp. Anh có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế tốt, nhưng cơ cấu lao động là vấn đề lớn hiện nay, chúng ta chưa giải quyết được”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. Đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Hệ thống thủy lợi xuống cấp. Doanh nghiệp nông nghiệp tuy có tiến bộ đáng mừng nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp cả nước. Một số địa phương còn lơ là trong việc chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn.
“Tại sao khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều như thế? Các đồng chí phải suy nghĩ. Có đối thoại với dân không? Nguyên nhân gì? Chúng ta phải tự hỏi cái này, tự hỏi chúng ta, chứ không phải tự hỏi người dân đâu”, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đừng để tình trạng lòng dân không yên ở nông thôn”.
An toàn thực phẩm có tiến bộ nhưng còn tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”. Nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tình trạng phá rừng, Thủ tướng nêu rõ, sẽ xử lý nghiêm địa phương nào không quản lý tốt vấn đề này.
Đã chốt 40 tỷ USD, chứ không phải 38 tỷ USD
Về định hướng nhiệm vụ năm qua 2018, Thủ tướng yêu cầu, phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nhắc lại con số, chỉ tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp mà Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2017 đã “chốt” như: Tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3%. Xuất khẩu phải đạt khoảng 40 tỷ USD, Thủ tướng nêu rõ, chứ không phải 38 tỷ USD mà báo cáo của Bộ NN&PTNT đưa ra hôm nay.
Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2018, Thủ tướng yêu cầu ngành NN&PTNT và các địa phương ngay từ đầu năm tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.
Các địa phương và ngành NN&PTNT phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. “Phải biến từ định hướng thành bảng số liệu cụ thể trong chỉ đạo, chứ không phải chỉ nói chung chung”, trên cơ sở đó để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hay không.
Phải quan tâm xử lý đồng bộ một bước những vấn đề bức xúc mà nông nghiệp, nông thôn đặt ra, như vấn đề “nước, phân, cần, giống”. Đầu vào nông nghiệp phải quản lý tốt, nâng cấp tốt, không để tình trạng phân bón giả tràn lan. Đầu ra là thị trường và tổ chức sản xuất phải đặc biệt quan tâm. Môi trường nông thôn phải được chú trọng khi mà mỗi năm, ở nông thôn có 13 triệu tấn rác.
Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chính phủ hành động, Bộ, các sở, viện, trường cũng phải hành động
Bài học lớn rút ra từ kết quả đạt được năm 2017 là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nói, trong nông nghiệp, nông thôn thì vấn đề vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương rất quan trọng, không thì chủ trương nằm trên giấy. Chính phủ hành động thì Bộ NN&PTNT, các sở, viện, trường cũng phải hành động.
Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Phải tạo chuyển biến rõ nét và thực chất hơn nữa cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân như mô hình hội quán ở Đồng Tháp, tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Long An, An Giang… Quyết liệt ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không quản lý… để “chúng ta thoát thẻ vàng (của EU) ngay trong năm nay, ngay trong 6 tháng đầu năm, là rất quan trọng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời tại An Giang (ngày 14/3/2017). Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đồng thời, phải thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đổi đất rừng sang các mục đích sử dụng khác.
Mặt khác, chi phí vận chuyển, chi phí logistics còn nhiều vấn đề, do vậy cần được tổ chức lại. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ GTVT cùng Bộ NN&PTNT, các địa phương bàn kỹ, đề xuất giải pháp phù hợp, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng lưu ý, việc tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát dân, sát cơ sở hơn. “Các ông nông nghiệp phải quần xắn móng lợn, lội ruộng với nông dân, hỏi lão nông tri điền làm gì để mình biết, chứ không phải mình nghiên cứu giấy tờ suốt”, Thủ tướng nói và nêu con số, năm 2018, Bộ phải bãi bỏ và sửa thêm 59 điều kiện kinh doanh để đạt mục tiêu bãi bỏ 50% thủ tục theo Nghị quyết 19. Bộ đang có 7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, cần cắt giảm 50% để đạt con số 3.849 dòng hàng phải kiểm tra thủ tục chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng lưu ý việc chăm lo Tết cho bà con nông dân.