Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5448VPCP-KSTT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành làm rõ những giải pháp phát huy hiệu quả thực hiện EVFTA.
Văn bản nêu rõ, Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 1/7/2020, có bài viết “Chủ tịch EuroCham: Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 châu Á vào 2050”, trong đó nêu: EuroCham đánh giá Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ chi phí thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng và môi trường đầu tư thuận lợi.
“Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thực thi EVFTA, một trong những yếu tố hàng đầu là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý, trong đó có việc thành lập Hội đồng doanh nghiệp của EVFTA để xem xét các thách thức trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết các vướng mắc.
Về nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền”, văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, một trong những yếu tố hàng đầu là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý. Trong đó, cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, EU và các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện những giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả thực thi, trong đó có việc thành lập Hội đồng doanh nghiệp của EVFTA để xem xét các thách thức trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết.
Ông Nicolas Audier cho hay, các thành viên của chúng tôi chia sẻ mục tiêu với Chính phủ về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các công ty châu Âu những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, canh tranh và thân thiện với doanh nghiệp. "Chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ còn thấy nhiều công ty châu Âu đầu tư vào Việt Nam trong tương lai", ông N.Audier nói.
EuroCham đánh giá Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước, từ đó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Chủ tịch Nicolas Audier nhận định, trong vài thập kỷ tới, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm ước tính là 5% trong giai đoạn 2014 đến 2050. Nhu cầu trong nước tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và xuất khẩu mạnh nhờ vào dòng vốn FDI là những yếu tố sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á vào năm 2050.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam hiện đứng thứ 70 trong số 190 quốc gia trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Mức độ Dễ dàng Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2020, giảm một bậc so với năm 2019. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 5 nhưng khoảng cách còn khá xa so với Thái Lan, Malaysia.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 07/07/2020
15:01, 05/07/2020
17:01, 04/07/2020