Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ có 10 nhiệm vụ chính, ngoài ra, sẽ có những nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
>>>Đông Nam Bộ: Cần thiết thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng
Sáng 18/7, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Cùng chủ trì có Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ngày 11/7.
Theo Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Hội đồng này nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành thực hiện chức năng giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ.
Các Phó chủ tịch Hội đồng gồm có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng. Các Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó chủ tịch Hội đồng.
Ngoài ra, Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Văn phòng Chính phủ, cùng Chủ tịch UBND TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu làm Ủy viên Hội đồng.
Hội đồng điều phối vùng có thể thành lập các Tiểu ban làm đầu mối điều phối theo ngành, lĩnh vực hoặc theo các tiểu vùng. Tiểu ban được tổ chức và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Hội đồng quy định.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ có 10 nhiệm vụ chính, ngoài ra sẽ có những nhiệm vụ khác do Thủ tướng giao.
Trong đó, có nhiệm vụ đề xuất với Thủ tướng về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ.
>>>TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ thúc đẩy các dự án giao thông mang tính liên kết vùng
Giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư nước ngoài (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức công tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng.
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng có diện tích 23.551 km, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022). Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.
Việc lập quy hoạch vùng có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ mục tiêu xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số.
Đồng thời, quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ vùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng.
Nhiệm vụ quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 463. Thực hiện trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã xây dựng nội dung về các quan điểm, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của vùng, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch vùng.
Có thể bạn quan tâm
Bình Phước: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao nhất vùng Đông Nam Bộ
17:00, 11/07/2023
Đông Nam Bộ: Cần thiết thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng
02:30, 08/07/2023
TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ thúc đẩy các dự án giao thông mang tính liên kết vùng
15:22, 07/07/2023
Tây Ninh đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ
02:18, 03/07/2023
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Sẽ tạo động lực phát triển kinh tế cho vùng Đông Nam bộ
15:34, 18/06/2023