Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng cho biết sáng ngày 5/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua Đề án cơ cấu lại ngành du lịch với mục tiêu tổng thu 45 tỷ USD vào năm 2025.
10 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng, nhất là 3 năm gần đây, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng gấp đôi. Nếu như năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, thì năm 2017 Việt Nam đã đón trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần.
Cùng với đó, ngành du lịch đã được xác định phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghị quyết 08/NQ-TW. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và đóng góp trên 10% GDP.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành du lịch vẫn còn vướng phải nhiều khó khăn như năng suất lao động ngành thấp, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao… Thậm chí, theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam khoảng 10-40%, trong khi ở Thái Lan tỷ lệ này đến 80%. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Hạn chế sản phẩm hay tình trạng an ninh, vấn đề vệ sinh thực phẩm... trở thành nỗi sợ của du khách khi đến Việt Nam”.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 05/12/2018
05:30, 07/08/2018
06:21, 05/08/2018
Cụ thể, khách quay lại thường rơi vào nhóm nghỉ dưỡng, mua sắm và công tác (du lịch MICE). Điển hình ở Đông Nam Á, Thái Lan là thiên đường mua sắm và nghỉ dưỡng. Sở hữu nhiều trung tâm thương mại, Singapore còn là trung tâm tài chính, khiến khách quay lại nhiều lần để làm việc.
Trong khi đó, du lịch Việt Nam hiện chủ yếu là khám phá, nên thu hút các khách tò mò. "Vì nhu cầu khám phá nên nay họ đến điểm này, mai đến nước khác. Nếu chuyến đó khách không thỏa mãn, họ sẽ không quay lại nữa. Lượng khách khám phá Việt Nam rất đông, đó là lý do tỷ lệ khách quay lại không cao", ông Bình chỉ ra.
Chính vì nhu cầu khách du lịch đến Việt Nam là khám phá những trải nghiệm mới, nhưng hạn chế trong sản phẩm du lịch lại trở thành điểm nghẽn tiếp theo của ngành. Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc công ty Vietravel Hà Nội cho biết: "Sự thiếu đa dạng về sản phẩm du lịch là yếu điểm của ngành du lịch Việt. Những sản phẩm du lịch thiếu nét đặc sắc và sự khác biệt khiến lượng du khách quay trở lại Việt Nam sau lần du lịch đầu tiên rất thấp".
Nguyên nhân của tình trạng này, ông Tuấn Anh đánh giá do thiếu sự định hướng và đặc biệt là tính liên kết giữa các vùng, địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch. Các doanh nghiệp hiện cũng hoạt động và phát triển sản phẩm theo hướng tự phát, mệnh ai người đó làm, khiến những sản phẩm du lịch đặc trưng, truyền thống mang bản sắc của từng khu vực chưa được xây dựng.
Thừa nhận thực tế này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết: “Một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm hạn chế, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá”.
Ông cũng cho biết, Chính phủ giao thực hiện một số đề án phát triển du lịch, trong đó xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 là nhiệm vụ đầu tiên phải làm.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL vui mừng thông báo, vào sáng nay (ngày 5/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua đề án cơ cấu lại ngành du lịch. “Đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực...”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng khẳng định.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành, mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025, dự kiến tổng thu sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn đọng trong ngành Du lịch hiện tại... Tuy nhiên việc triển khai cụ thể với phương thức ra sao, công tác điều phối của du lịch cả nước như thế nào... sẽ là vấn đề then chốt cần giải đáp trong thời gian tới.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch nhận định nếu làm dịch vụ và quảng cáo tốt, Việt Nam vẫn có thể thu hút khách mà không cần quan tâm đến lượng khách quay lại trong giai đoạn trước mắt, 3-5 năm tới. Bởi 15-17 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay chưa phải là lớn so với các nước trong khu vực, trong khi Việt Nam còn nhiều điểm hấp dẫn để khách tiếp tục khám phá.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi các điểm tham quan ở Việt Nam không còn sự mới lạ, các trung tâm nghỉ dưỡng, mua sắm và du lịch MICE cần phát triển để thay thế.
Trong đó, Việt Nam có điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vì sở hữu nhiều bãi biển đẹp. "Nếu biến các bãi biển thành khu nghỉ hoàn chỉnh, chứ không phải chỉ là nơi ngủ, chúng ta sẽ có nhiều khách quay lại", ông Bình nói.