Trong Lễ khai mạc năm du lịch Quốc gia 2022 tổ chức tại Quảng Nam tối ngày 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất 7 giải pháp nhằm khôi phục ngành du lịch.
>>Rực rỡ bầu trời Hội An với “Ngày hội khinh khí cầu”
Năm du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 – “Điểm đến du lịch xanh” có 212 sự kiện, hoạt động. Trong đó, có 10 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức. Trong đó, tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức chuỗi 64 sự kiện, hoạt động và 138 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.
Việc tổ chức tốt sự kiện sẽ là “cú huých” cho du lịch Việt Nam và cả tỉnh Quảng Nam trong công cuộc phục hồi. Từ đó, ngành du lịch có thêm “bước đệm” trong thời gian tới cùng với việc mở cửa đường bay quốc tế.
Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận phát triển du lịch trong thời gian tới, dự báo có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những bất ổn trên thế giới. Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, ngành du lịch phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu.
“Tuy nhiên, đây cùng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Muốn vậy, một mặt, chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, hòa giải,“Việt Nam - Đất nước an toàn”, hình ảnh “Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, một điểm đến với “vẻ đẹp bất tận”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, ngành Du lịch cần chủ động, sáng tạo và ứng phó linh hoạt để đưa du lịch tiếp tục phát triển, sẵn sàng đón dòng khách du lịch trở lại trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động phối hợp thực hiện thật tốt một số trọng tâm.
Một là, tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc - một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chúng ta cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm Quốc tế với bản sắc Việt Nam, gắn với mảnh đất thiêng liêng mà anh dũng, gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc và con người Việt Nam thân thiện, đôn hậu.
Hai là, tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách. Là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường. Điều này cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đó là đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“Tôi đề nghị các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất nhưng có trách nhiệm với môi trường xã hội.Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch cần quán triệt nghiêm chỉnh, tuân thủ các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19”, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các ngành chủ động tuyển dụng, bồi dưỡng, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mới của du khách trong bối cảnh hậu COVID-19. Tăng cường thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch. Đây là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
“Các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần chủ động, tích cực chung tay xây dựng môi trường du lịch xanh, đầu tư phát triển các mô hình, loại hình du lịch hướng tới sự bền vững về cả kinh tế, xã hội và môi trường.Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại điểm đến nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, cảnh quan môi trường, vệ sinh dịch tễ, đảm bảo việc ứng xử văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch. Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cạnh tranh và có trách nhiệm”, Thủ tướng đề nghị.
Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng, để mỗi người dân là một “đại sứ du lịch”. Sự tham gia của người dân địa phương có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững và hấp dẫn của du lịch Việt Nam đối với du khách.
Ba là, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên, hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo.
Bốn là, cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bối cảnh mới, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phù hợp xu hướng của thế giới hậu COVID-19.
Năm là, thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái. Bảo đảm an ninh, an toàn du lịch. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững.
Qua đó góp phần để bạn bè quốc tế cảm nhận được truyền thống yêu chuộng hòa bình, thân thiện và mến khách của dân tộc ta. Phấn đấu để có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài ở Việt Nam, những khách đã đi rồi sẽ quay trở lại nhiều hơn.
Sáu là, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quảng Nam và các địa phương trên cả nước, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần giảm nghèo.
Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động du lịch, doanh nghiệp du lịch.
Bảy là, cần truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đặc biệt giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chúng ta cần mở rộng dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao tính cạnh tranh để Việt Nam trở thành điểm đến, điểm quay trở lại hấp dẫn.
“Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ đề của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Cùng với chủ đề chung này, những “từ khóa” chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là: “Hòa bình”, “xanh hóa”, “số hóa” và “kết nối”, Thủ tướng Chính phủ cho hay.
Có thể bạn quan tâm