Thủ tướng giao 2 Bộ nghiên cứu lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất

PHƯƠNG UYÊN 16/08/2023 13:53

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất.

>>Giao dịch quyền sử dụng đất phải qua sàn

Việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất nhằm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhìn nhận chủ trương lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất là điều rất tốt cho thị trường bất động sản. Ảnh: LV

Các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhìn nhận chủ trương lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất là điều rất tốt cho thị trường bất động sản. Ảnh: LV

Trên thực tế, Việt Nam đã có sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch vàng, sàn giao dịch ngoại hối, sàn giao dịch bất động sản... và mới đây nhất là sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ.

Chủ trương đúng đắn

Kết quả thực tiễn cũng cho thấy, sự ra đời của các sàn giao dịch đều là những bước tiến lớn, góp phần đưa thị trường phát triển theo hướng ổn định, bền vững và minh bạch. Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất (QSDĐ) là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, có tác động tích cực tới thị trường

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Lâu nay các bất động sản được giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản chủ yếu là các sản phẩm hình thành trong tương lai, chưa có quyền sử dụng đất. Còn QSDĐ hầu hết vẫn được giao dịch một cách tự do, không kiểm soát trong dân. Trong khi, chính loại “sản phẩm” này mới chiếm số lượng lớn và giá trị giao dịch cao trên thị trường bất động sản. Điều này vô hình chung trở thành nguồn cơn của rất nhiều hệ lụy, gây nhiễu loạn thị trường, khiến Nhà nước thất thoát thuế.

Nhìn sang câu chuyện của các nước có thị trường bất động sản phát triển, giao dịch bất động sản đều phải thực hiện qua sàn hoặc một đơn vị trung gian.

Tại Mỹ, để giao dịch nhà đất, người bán, trao tặng và người mua, nhận trao tặng phải giao dịch và thanh toán thông qua trung gian một công ty môi giới. Kể cả khi người bán và người mua chủ động tìm kiếm nhau một cách tự do. Sau đó, mọi giao dịch vẫn bắt buộc phải qua bên thứ ba.

Quay trở lại Việt Nam, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (đang được trình Quốc Hội xem xét) cũng quy định các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch.

Theo TS Đính, muốn sàn giao dịch quyền sử dụng đất thực sự phát huy được tác dụng, không chồng chéo, gây phát sinh thêm các thủ tục hành chính phức tạp cho người dân, cần phải có một quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, tỉ mỉ.

>>> Sàn giao dịch quyền sử dụng đất: Những vấn đề cần giải quyết

Việc làm này yêu cầu sự tham gia, phối hợp của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đầu ngành. Đặc biệt, sự tham gia ý kiến từ những cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm thực tiễn là rất quan trọng.

Làm rõ cơ chế vận hành

Trong đó, cần giải quyết các câu hỏi việc giao dịch thông qua sàn giao dịch quyền sử dụng đất là khuyến khích hay bắt buộc? Nếu bắt buộc liệu có ngăn trở quyền tự do kinh doanh của người dân hay không? Nếu không bắt buộc, cần xây dựng cơ chế vận hành như thế nào để khuyến khích người dân tham gia?

Hiện, mua bán nhà đất không bắt buộc phải qua sàn giao dịch bất động sản.

 Cần kiểm soát hoạt động mua bán để đảm bảo không gây tiêu cực, đầu cơ, lũng đoạn thị trường. ẢNH: LV 

Bên cạnh đó, chỉ thành lập ra sàn giao dịch quyền sử dụng đất rồi để đó tự vận hành, hay có cần gắn thêm vào hoạt động của các môi giới để đảm bảo hoạt động qua sàn được sôi nổi không? Nếu có cần kiểm soát hoạt động của các đối tượng này như thế nào để đảm bảo không gây tiêu cực, đầu cơ, lũng đoạn cho thị trường?

Không những vậy, sàn giao dịch sẽ được thành lập ở cấp nào? Chỉ trung ương hay tại từng địa phương? Nếu chỉ ở Trung Ương liệu có đảm bảo tính thuận lợi và dễ dàng tiếp cận của người dân không? Nếu tới từng địa phương thì nhân sự tại các địa phương có đảm bảo đủ người, đủ chuyên môn để vận hành không? Cơ quan nào sẽ quản lý, giám sát việc thành lập và hoạt động của các sàn này?...

Thực tế, việc thành lập sàn giao dịch chắc chắn sẽ phát sinh các chi phí liên quan, bao gồm bộ máy hoạt động, chi phí cho quá trình thẩm tra, thẩm định các quyền sử dụng đất đưa vào giao dịch và rất nhiều chi phí phát sinh khác nữa. Các chi phí này liệu có khiến giá bất động sản tăng lên do việc kết chuyển chi phí vào giá bán không? Quy định thu phí với người tham gia giao dịch (cả bên bán và bên mua) sẽ như thế nào để đảm bảo hài hòa giữa các bên?...

Có rất nhiều câu hỏi cần tìm lời giải đáp phù hợp để đảm bảo việc thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất là khả thi và thực sự tác động tích cực tới thị trường.

"Quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận hành sàn giao dịch này cũng cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khả thi, đem lại lợi ích tối đa cho các bên liên quan" - ông Đính khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Xúc tiến xây dựng sàn giao dịch thịt heo tại TP HCM

    Xúc tiến xây dựng sàn giao dịch thịt heo tại TP HCM

    10:42, 15/08/2023

  • Sàn giao dịch quyền sử dụng đất: Những vấn đề cần giải quyết

    Sàn giao dịch quyền sử dụng đất: Những vấn đề cần giải quyết

    05:00, 15/08/2023

  • Sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ tác động tích cực đến thị trường

    Sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ tác động tích cực đến thị trường

    03:00, 14/08/2023

  • TP.HCM: Chấn chỉnh hoạt động hàng chục sàn giao dịch bất động sản

    TP.HCM: Chấn chỉnh hoạt động hàng chục sàn giao dịch bất động sản

    05:00, 20/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng giao 2 Bộ nghiên cứu lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO