Thủ tướng: Việt Nam cam kết “3 bảo đảm”, “3 đột phá” và “3 tăng cường” với nhà đầu tư

Bài: HẠNH LÊ; Ảnh: QUỐC TUẤN 19/03/2024 15:03

Kêu gọi các doanh nghiệp FDI đồng hành thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, Chính phủ cam kết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp để nhà đầu tư yên tâm hoạt động và phát triển

>>>VBF 2024: Cộng đồng doanh nghiệp cam kết cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh

Phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hiểu biết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và sự thẳng thắn của các đại biểu, nêu rõ vấn đề đã đạt được, vấn đề chưa được cần khắc phục, nguyên nhân và đề xuất các biện pháp phát triển kinh tế và tăng trưởng xanh. Trân trọng những ý kiến đóng góp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu và xây dựng Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân

Qua lắng nghe ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, Thủ tướng Chính phủ cảm nhận được 3 cùng: cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước, với người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn, hành động cho phát triển kinh tế và phát triển xanh; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

Đánh giá tổng thể tình hình chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, với diễn biến nhanh khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi có khó khăn, thách thức; trong đó, khó khăn và thách thức nhiều hơn thuận lợi, với nguy cơ phân hoá, khủng hoảng niềm tin, năng lượng, lương thực... Hy vọng tình hình sẽ thuận lợi trong thời gian tới, nhưng Thủ tướng cũng khẳng định: "Việt Nam không chủ quan, lơ là, không thoả mãn với những kết quả đạt được để chuẩn bị tâm thế, năng lượng, sự kiên định đối phó với tính hình có thể xấu nhất xảy ra về mặt kinh tế".

Chính phủ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, đối tác, người dân. “Tôi chưa từ chối tiếp một hiệp hội doanh nghiệp nếu như tôi có mặt ở Hà Nội” - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Chính phủ trao đổi cùng đại diện các doanh nghiệp FDI

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi cùng đại diện các doanh nghiệp FDI

Dự báo trong thời gian tới có nhiều khó khăn, mục tiêu Việt Nam đặt ra cho tăng trưởng trong năm 2024 là thách thức, nhưng Thủ tướng vẫn chia sẻ về niềm tin. Đó là niềm tin vào các doanh nghiệp FDI; Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 193 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 7 nước thành viên G7, 16 thành viên G20; ký 16 FTA với hơn 60 nước.

Bên cạnh đó là niềm tin vào sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; niềm tin vào truyền thống của dân tộc càng áp lực lại càng nỗ lực và sự nỗ lực của doanh nghiệp, người dân cùng Nhà nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Điểm sáng FDI

Trong thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 4,3 tỷ USD tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%. Tính đến cuối tháng 2/2024, hiện còn trên 39,5 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 473 tỷ USD. Có 145 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng mở rộng đầu tư ra nước ngoài và thu hiệu quả.

Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện. Theo đánh giá của Tạp chí Nhà kinh tế xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc năm 2023. Còn theo đánh giá của WIPO, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, đứng 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Không chỉ về số lượng, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng góp phần cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam - Thủ tướng nhấn mạnh và đánh giá khu vực FDI là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng pháp luật, cơ chế, chính sách, khả năng quản trị quốc gia. Đầu tư của các doanh nghiệp FDI là nguồn lực quan trọng, vừa bổ sung vốn, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Hoạt động của ngày càng nhiều các tập đoàn đa quốc gia, quy mô lớn, công nghệ hiện đại góp phần nâng cấp công nghệ, kỹ năng quản lý, cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng và đại diện các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Bên cạnh kết quả đạt được, khu vực FDI cũng còn một số tồn tại, hạn chế như chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; tỉ lệ nội địa hóa còn thấp; sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, bền vững. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn. Còn có tình trạng một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao; phát sinh những bất cập trong quan hệ lao động…

Đề cập đến những mục tiêu chiến lược của Việt Nam đến năm 2030 và năm 2045 cũng như mục tiêu trước mắt trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cần phát huy hơn nữa vai trò của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có khu vực FDI. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; đồng thời không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Sử dụng phương thức tiếp cận toàn dân, toàn cầu, toàn diện trên tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ".

Đồng hành chuyển đổi xanh với tinh thần “3 tiên phong”

Chia sẻ quan điểm tăng trưởng xanh, Thủ tướng cho biết: cùng với chuyển đổi số, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, đây là xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, là một động lực tăng trưởng mới; không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này. Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ với các đối tác, nhà đầu tư, cùng góp phần vì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ với các đối tác, nhà đầu tư trên tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển

Việt Nam cũng ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII…

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị và mong muốn các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về 5 yếu tố: Nguồn vốn, thể chế, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực. Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần “3 tiên phong”.

Một là, tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về tăng trưởng xanh.

Hai là, tiên phong trong chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh.

Ba là, tiên phong trong triển khai thực hiện các dự án tăng trưởng xanh cụ thể, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và bổ sung các động lực tăng trưởng mới.

Đối với các đối tác phát triển quốc tế cần thực hiện “3 đẩy mạnh”.

Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tham vấn chính sách, tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thứ hai, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tập trung vào dự án có tính lan toả, dự án lớn.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quản trị, phục vụ các ngành trụ cột như công nghiệp bán dẫn, các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

không chỉ về số lượng, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng góp phần cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam

Các doanh nghiệp FDI đã những đóng góp quan trọng góp phần cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam

Với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện “3 bảo đảm”, đẩy mạnh “3 đột phá” và thực hiện “3 tăng cường”.

Về 3 đảm bảo là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng, đảm bảo ổn định phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và những xu thế lớn của thời đại như chống biến đổi khí hậu, già hoá dân số…; đảm bảo ổn định chính trị, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh lâu dài; đảm bảo ổn định năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Về 3 đột phá là đột phá về thể chế, xây dựng luật pháp, nghị định, thông tư phù hợp phục vụ chuyển đổi xanh; đột phá hạ tầng bao gồm hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; đột phá về cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ và đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Về 3 tăng cường là tăng cường lòng tin giữa cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ, các cấp chính quyền; tăng cường công khai minh bạch, bình đẳng, phòng chống tiêu cực; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nhanh bền vững, hợp tác công tư.

Với tinh thần hợp tác cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển; lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ tin rằng, mọi vướng mắc, khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất kinh doanh đều có hướng giải pháp giải quyết.

Có thể bạn quan tâm

  • VBF 2024: EuroCham kỳ vọng vào ngành năng lượng và y tế của Việt Nam

    VBF 2024: EuroCham kỳ vọng vào ngành năng lượng và y tế của Việt Nam

    11:47, 19/03/2024

  • VBF 2024: JCCI đặt mục tiêu lớn hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng xanh

    VBF 2024: JCCI đặt mục tiêu lớn hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng xanh

    11:11, 19/03/2024

  • VBF 2024:

    VBF 2024: "Con đường xanh" đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đất nước xanh và bền vững hơn

    10:06, 19/03/2024

  • VBF 2024: BritCham khuyến nghị triển khai nhanh chóng Quy hoạch Điện VIII

    VBF 2024: BritCham khuyến nghị triển khai nhanh chóng Quy hoạch Điện VIII

    09:56, 19/03/2024

  • VBF 2024: Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện tăng trưởng xanh

    VBF 2024: Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện tăng trưởng xanh

    09:39, 19/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng: Việt Nam cam kết “3 bảo đảm”, “3 đột phá” và “3 tăng cường” với nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO