Doanh nghiệp khu vực sản xuất nông nghiệp hưởng mức hỗ trợ giảm từ 35-40 %, các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được giảm từ 45-50% thuế thu nhập doanh nghiệp.
>>>Quỹ đất chăn nuôi bị “bỏ quên”, ba hiệp hội kiến nghị khẩn
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm hết sức bấp bênh, chưa bao giờ xảy ra tình trạng như hiện nay.
“Tại nhiều trang trại, gà thịt công nghiệp và gà lông màu phải nuôi quá ngày, rồi để lại làm gà đẻ. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi đang có nguy cơ phá sản, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động”, ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá bán sản phẩm chăn nuôi hiện đang thấp hơn giá thành, nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức sản xuất lớn.
Trong khi đó, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu gần 34 triệu con gia cầm giống, nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con, nhưng sức tiêu dùng lại có hạn.
Do đó, ông Chinh nhận xét ngành chăn nuôi gia cầm nói riêng, chăn nuôi nói chung đang đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức. Sự suy giảm của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động, cắt giảm nhân sự của nhiều doanh nghiệp lớn ảnh hưởng đến sức mua của thị trường sản phẩm chăn nuôi, trong đó có sản phẩm thịt, trứng gia cầm.
“Giá các sản phẩm chăn nuôi biến động nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi, thị trường sản phẩm chăn nuôi không ổn định, công tác dự báo chưa theo kịp thực tiễn, giá vật tư đầu vào còn cao; người chăn nuôi thiếu vốn, thiếu đất đai để đầu tư và phát triển trang trại chăn nuôi”, ông Chinh nêu thực tế.
Đáng lưu ý, theo các ý kiến, thời gian vừa qua, ngành gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà phát triển quá nóng. Nhiều dự án đầu tư chăn nuôi quy mô lớn được cấp phép đầu tư mà không gắn liền với phương án xuất khẩu, trong khi đó thịt gà đông lạnh nhập khẩu không ngừng gia tăng hàng năm, đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây áp lực lớn lên thị trường tiêu thụ trong nước. Hậu quả là cả doanh nghiệp và người nông dân đều thua lỗ trong những năm gần đây.
>>>Doanh nghiệp chăn nuôi tuần hoàn "đau đầu" vì thức ăn bị coi là chất thải
Từ thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành rà soát lại các chính sách hiện có nhằm hỗ trợ thiết thực, kịp thời và dễ thực thi hơn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp. Đồng thời cần điều chỉnh, bổ sung đối tượng hỗ trợ, nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn hỗ trợ.
“Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn cho các doanh nghiệp nông nghiệp, cụ thể các doanh nghiệp khu vực sản xuất nông nghiệp được hưởng mức hỗ trợ giảm từ 35-40 %, các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được giảm từ 45-50% thuế thu nhập doanh nghiệp để các doanh nghiệp có vốn duy trì sản xuất”, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm kiến nghị.
Đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét rà soát lại chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn, định hướng phát triển cần hài hòa giữa phát triển số lượng và chất lượng, coi trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hơn là tăng quá nóng về số lượng. Các bộ ngành và địa phương cần xem xét kỹ lưỡng các dự án đầu tư mới, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thịt lợn và gia cầm.
Ông Sơn cũng đề nghị các bộ ngành liên quan phối hợp với các hiệp hội ngành hàng xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh đối với thịt nhập khẩu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm sản xuất trong nước.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá chăn nuôi gia cầm giữ vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo tăng cường liên kết sản xuất, đặc biệt là tổ đội sản xuất, doanh nghiệp để dẫn dắt bà con sản xuất theo tiêu chuẩn, thu mua sản phẩm cho bà con.
Để tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu, bên cạnh việc tuân thủ các điều kiện đã ký kết về thương mại, Việt Nam cũng xây dựng các tiêu chuẩn để ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều này sẽ đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi trong nước.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 22/04/2023
04:00, 21/04/2023
01:00, 28/03/2023
04:00, 27/03/2023