Thừa Thiên Huế định hướng trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị trung tâm của miền Trung và đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa.
>> Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế: Một trọng tâm, hai tăng cường, ba đẩy mạnh
Ngày 19/5, tại thành phố Huế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 4; công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024 với mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…
Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại.
Theo Quy hoạch, vùng Bắc Trung Bộ (gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) sẽ trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ đô thị biển của cả nước, trong đó TP Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng. TP Thanh Hóa là cực tăng trưởng mới, cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc.
Vùng Trung Trung Bộ (gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) trở thành tiểu vùng động lực của vùng và là khu vực tăng trọng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ cao cấp và đô thị biển… Thừa Thiên Huế định hướng là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị trung tâm của miền Trung và đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa. Huế cũng được định hướng là trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, y tế chuyên sâu, giáo dục…
Vùng Nam Trung Bộ (gồm 4 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hành lang pháp lý quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững cho tỉnh và các địa phương trong vùng, góp phần thúc đẩy, liên kết hợp tác phát triển Vùng.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, nhằm hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch này, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất:
Thứ nhất, các địa phương trong Vùng cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ các nội dung, giá trị cốt lõi của Quy hoạch vùng; tạo sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm hành động của tất cả các địa phương trong Vùng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và hiệu quả để sớm hiện thực hóa quy hoạch.
Thứ hai, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai Quy hoạch Vùng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng lộ trình triển khai thực hiện quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm và nguồn lực khả thi thực hiện các chương trình, Đề án, dự án trong quy hoạch.
Đặc biệt, sớm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển vùng; trong đó, nghiên cứu đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế như:
Nghiên cứu xây dựng “Bộ tiêu chí ưu tiên” nhằm ban hành định mức phân bổ ngân sách (bao gồm định mức chi đầu tư và chi thường xuyên) cho vùng, dựa trên các tiêu chí đặc thù của vùng như: Hệ thống di sản, di tích lịch sử, văn hóa; nhiều di sản thiên nhiên thế giới, vườn quốc gia, hệ sinh thái đầm, phá ven biển, khu dự trữ sinh quyển thế giới; bờ biển dài, cảng nước sâu; thường xuyên bị thiên tai, bão, lụt; sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển…
Nghiên cứu cho phép các địa phương trong Vùng được phát hành “trái phiếu chính quyền địa phương” để đề xuất với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương huy động vốn trái phiếu đầu tư các dự án trọng điểm của Vùng như: Cảng biển, đường cao tốc (giao thông gắn với logistic),… Đồng thời, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối.
Thứ ba, đề xuất Trung ương cân đối, bố trí nguồn lực ưu tiên thực hiện đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, có tác động lan tỏa, lôi kéo, là động lực tăng trưởng cho toàn vùng như:
Nghiên cứu sớm nâng cấp từng bước hiện đại hoá tuyến đường sắt Bắc – Nam qua vùng. Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có chiều dài khoảng 1.450km (kéo dài từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận) nên việc di chuyển qua các tỉnh/thành bằng phương tiện đường sắt chính là phương án lựa chọn tối ưu nhất để rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các địa phương thuộc Vùng (ưu tiên trong thời gian đầu tư hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc - Nam).
Ưu tiên bố trí kinh phí hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, đảm bảo kết nối thông suốt giữa các tỉnh trong vùng nhằm phát triển kinh tế biển, chia sẻ lưu lượng, giảm tải cho Quốc lộ 1A. Sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn từ 02 làn xe lên 04 làn xe. Quan tâm đầu tư hình thành các trục giao thông Đông - Tây trọng điểm nhằm kết nối cảng biển đến cửa khẩu (hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Chủ tịch Quốc hội thống nhất chủ trương cho nghiên cứu đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 49F (Đường 71 cũ) đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh (Phong Điền - A Lưới). Sớm hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng.
Thứ tư, tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc tiểu vùng Trung Trung bộ nhưng tiếp giáp với tiểu vùng Bắc Trung bộ, cùng với các địa phương vùng Bắc Trung bộ trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp.Vì vậy, kính đề nghị nghiên cứu hình thành trung tâm logistics cấp vùng tại khu vực Chân Mây để thực hiện chức năng là khu trung tâm tiếp vận hàng hoá và thương mại dịch vụ đầu mối nhằm khai thác hiệu quả chuỗi logistics gồm các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và phía Bắc Đà Nẵng.
Thứ năm, Thừa Thiên Huế được Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương tại Nghị quyết 54-NQ/TW, Nghị quyết 26-NQ/TW và Quy hoạch Vùng cũng khẳng định lại nội dung này; được xác định là 1 trong 4 địa phương thuộc vùng động lực miền Trung (gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi), trong đó Thừa Thiên Huế là đô thị trung tâm của vùng, tiểu vùng; đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa; trung tâm công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa, đồng thời là một trong những trung tâm lớn của cả nước về dịch vụ cảng biển, khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại, tài chính tầm quốc tế cao. Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương trong vùng phối hợp, tạo điều kiện để Thừa Thiên Huế triển khai hiệu quả các quan điểm, định hướng phát triển đã được xác định tại quy hoạch vùng, sớm hoàn thành mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Có thể bạn quan tâm