Với sự quyết tâm cao cùng hướng đi đúng đắn, huyện Thuận Thành đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hướng tới trở thành thị xã trong thời gian không xa.
>>>Huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) hoàn thiện các tiêu chí lên thị xã
Theo Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành – Nguyễn Xuân Đương, để đáp ứng yêu cầu phát triển chung của toàn tỉnh Bắc Ninh, huyện Thuận Thành đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa nông thôn đang là hướng đi mà cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Thành quyết tâm thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp.
Ông Đương cho biết, huyện đang nỗ lực thực hiện song song 2 mục tiêu: Trở thành thị xã năm 2023 và xây dựng NTM nâng cao ở các địa phương. Vì thế, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị. Trong đó, cần nguồn vốn lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa...
Dự kiến nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của huyện Thuận Thành giai đoạn 2021-2025 là gần 4.200 tỷ đồng. Ông Đương đánh giá, công nghiệp hóa, đô thị hóa đang tạo nhiều áp lực cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM của địa phương, vừa xây dựng đô thị, vừa thực hiện mục tiêu đưa huyện trở thành thị xã. Theo đó, các tiêu chí về phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng, môi trường, an ninh trật tự… của các địa phương phải vừa đạt tiêu chí NTM nâng cao, vừa đạt tiêu chí về đô thị, nhất là trên địa bàn 10 xã dự kiến trở thành phường.
Tại xã Gia Đông, phong trào xây dựng NTM nâng cao vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Gia Đông - Vương Quốc Anh, cơ cấu kinh tế của xã đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Năm 2022, tổng sản phẩm xã hội của xã đạt hơn 747 tỷ đồng, thì thương mại – dịch vụ chiếm tới 58% (hơn 431 tỷ đồng); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 30%, nông nghiệp chỉ chiếm 12% tổng sản phẩm xã hội.
Thời gian tới, để đảm bảo các tiêu chí lên phường, ông Vương Quóc Anh cho biết, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng thu nhập khối ngành TM-DV lên hơn 500 tỷ đồng (chiếm 59%), CN-TTCN-XD đạt gần 300 tỷ đồng (chiếm 33%). Đồng thời, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đường giao thông nông thôn, công trình trường học, nhà văn hóa, trụ sở UBND,… tạo bộ mặt khang trang, hiện đại cho địa phương.
>>>Huyện Thuận Thành (Bắc Ninh): Thu hút đầu tư để phát triển đô thị không gian xanh
Tại xã Thanh Khương, để góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, thời gian qua, xã đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, công trình phúc lợi phục vụ nhân dân. Tính đến nay, nhiều công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa… đã được triển khai, nâng cấp, được nhân dân ủng hộ và tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí.
Ông Hoàng Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã Thanh Khương chia sẻ, để hướng tới trở thành đô thị khi huyện Thuận Thành trở thành thị xã, Đảng ủy, chính quyền xã luôn coi trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại của nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Theo đó, xã đã kiện toàn bộ phận một cửa và đi vào hoạt động, kịp thời giải quyết công việc của các cá nhân, tổ chức khi liên hệ. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) ngày càng được cải thiện, mức độ hài lòng, niềm tin của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương ngày một tăng lên. Xã tiếp tục áp dụng có hiệu quả phần mềm “Một cửa, một cửa liên thông hiện đại” và phầnn mềm “Quản lý văn bản điều hành” tại bộ phận một cửa và văn thư UBND xã.
Theo ông Hoàng Đình Khoa, để trở thành phường văn minh đô thị trong tương lai, chính quyền xã Thanh Khương luôn coi trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, xã luôn làm tốt công tác phát triển kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ lệ các cơ sở kinh doanh - dịch vụ; quan tâm công tác an sinh xã hội; đảm bảo, giữ gìn an ninh trật tự,…
Hòa chung không khí đó, tại xã Xuân Lâm, sau khi đạt chuẩn NTM, địa phương cũng luôn xác định xây dựng NTM là chương trình lâu dài, liên tục, không có điểm dừng. Bên cạnh tiếp tục nâng chất và giữ vững các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được, xã Xuân Lâm còn tập trung tuyên truyền và huy động các nguồn lực cùng chung tay xây dựng NTM nâng cao, theo đúng lộ trình đã đề ra. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng quê.
“Trong kế hoạch xây dựng thị xã của huyện, Xuân Lâm là một trong 10 địa phương sẽ trở thành phường. Để đạt được, Xuân Lâm đã và đang quyết tâm cao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, luôn hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân, đem lại sự đổi mới cho quê hương” - bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Xuân Lâm là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng của huyện. Do đó, việc quản lý, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chính trị quan trọng của xã. Các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn để xảy ra vi phạm về bảo vệ môi trường, chính quyền xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc giải quyết nhanh chóng, triệt để, không làm ngơ hay bao che cho doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, chia sẻ, động viên và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục hành chính về môi trường trong thời gian sớm nhất cũng như khắc phục những tồn tại để đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo việc bảo vệ môi trường đúng quy định pháp luật.
Theo UBND huyện Thuận Thành, tuy các địa phương trên cơ bản đáp ứng các điều kiện nâng cấp lên thị xã nhưng vẫn xem xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm và khai thác thế mạnh riêng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng thu hút các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Định hướng phát triển nông nghiệp cho đô thị trong tương lai, huyện Thuận Thành đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Do quỹ đất dành cho đất nông nghiệp của huyện ngày càng thu hẹp, địa phương định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có lợi thế cạnh tranh cao, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh một cách hài hoà, hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Ninh top đầu về chuyển đổi số
00:30, 02/02/2023
Bắc Ninh: Huyện Gia Bình đột phá trong phát triển kinh tế
16:22, 18/01/2023
Xây dựng phường Nam Sơn thành đô thị sinh thái - trung tâm kinh tế tri thức của tỉnh Bắc Ninh
17:07, 21/12/2022
Tỉnh Bắc Ninh – huyện Gia Bình: Khẩn trương giải phóng mặt bằng thực hiện dự án
08:08, 22/11/2022
Bắc Ninh mạnh mẽ, nhất quán trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư
14:13, 29/08/2022
Bắc Ninh: Huyện Gia Bình tăng tốc phát triển đồng bộ
07:38, 20/07/2022
Bắc Ninh muốn gỡ “điểm nóng” giao thông
00:32, 27/07/2022
Bắc Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư
00:36, 23/06/2022
Từ Sơn (Bắc Ninh): Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hoá
00:07, 24/05/2022
Bắc Ninh: Khai mở tiềm năng du lịch Gia Bình
07:00, 25/04/2022
Bắc Ninh: Phát huy bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch
15:38, 21/03/2022