Có đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch thể thao, tỉnh Quảng Nam cùng doanh nghiệp đang phát triển thêm sản phẩm mới để đang dạng trải nghiệm cho du khách khi đến địa phương.
>>Kích cầu du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 kéo dài
Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL Quảng Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách quốc tế đến địa phương này đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 03 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt gần 1,7 triệu lượt với gần 1 triệu lượt khách quốc tế và 735.000 lượt khách nội địa.
Trong giai đoạn phục hồi, ngành du lịch Quảng Nam đã tích cực phát triển thêm nhiều sản phẩm mới nhằm thu hút khách du lịch đến với địa phương. Các sản phẩm mới đều được hình thành dựa trên lợi thế của Quảng Nam với 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, nghệ thuật Bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận,...
Ngoài các sản phẩm về văn hóa, nhiều đề xuất mới trong việc gia tăng trải nghiệm của du khách cũng đã được nhiều đơn vị lên ý tưởng. Trong đó, có du lịch thể thao gắn với bộ môn golf, chạy bộ, thể thao dưới nước gắn với biển, đảo,... được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Mới đây, tại Hoiana Resort & Golf đã diễn ra đêm vinh danh Top 100 sân golf châu Á 2023 - 2024 do tạp chí Golf Travel Trung Quốc và Golf Travel Hàn Quốc tổ chức, Việt Nam có 7 sân golf được đề cử nhưng chỉ có 3 sân golf có mặt trong bảng xếp hạng.Trong đó, Hoiana Shores Golf Club giành vị trí cao nhất của Việt Nam với xếp hạng thứ 18.
Ông Steven Wolstenholme - CEO của Hoiana Resort & Golf cho hay sân golf của đơn vị được thiết kế theo tiêu chuẩn Championship, 18 hố với 71 gậy tiêu chuẩn, kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mang đến những trải nghiệm đầy thử thách nhưng không kém phần thú vị, hấp dẫn các golf thủ ở mọi cấp độ. Vị này chia sẻ sân golf Hoiana Shores nhận được sự yêu thích đặc biệt và nhiều lời tán thưởng từ du khách và golf thủ Hàn Quốc và Đài Loan. Riêng trong năm 2023, Hoiana Shores đón hơn 65.000 lượt khách chơi golf, trong đó khoảng 95% là khách đến từ hai thị trường này.
Chia sẻ về tiềm năng của bộ môn golf với du lịch Quảng Nam trước đó, vị này nhận định phát triển du lịch golf sẽ giúp Quảng Nam thu hút được lượng lớn du khách trong và ngoài nước đam mê bộ môn này, nhất là nhóm khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày để trải nghiệm các sân golf. Bên cạnh đó, du lịch golf còn giúp tỉnh Quảng Nam phát triển du lịch “bốn mùa” và khách quốc tế, thường chọn Quảng Nam là điểm đến để chơi golf vào những tháng mùa đông.
“Đây là hướng đi tiềm năng cho Quảng Nam để phát triển du lịch trái mùa, nhất là vào những tháng cuối năm khi thời điểm này không còn là mùa cao điểm du lịch nội địa. Để gia tăng sức cạnh tranh cũng như thu hút thêm khách du lịch, Quảng Nam cần cải tiến và đa dạng hóa các dịch vụ phụ trợ như ăn uống, mua sắm, thể thao,.... Đồng thời, các đơn vị trên địa bàn tỉnh nên kết nối chặt chẽ với nhau hơn nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng và mang đến trải nghiệm trọn vẹn nhất cho du khách. Đơn cử như việc các sân golf tại tỉnh Quảng Nam có thể liên kết với nhau để tạo ra một “tour” trải nghiệm các sân golf dành cho những khách hàng nhu cầu”, ông Steven Wolstenholme đề xuất.
Trong khi đó, bà Phạm Quế Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du lịch Hội An Express cũng kiến nghị địa phương gỡ vướng cho du lịch thể thao biển tại khu vực Cẩm An – TP. Hội An. Theo bà Anh, khu vực này có vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan tự nhiên trong lành, có đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ cả khách nội địa và nước ngoài và có nhiều sản phẩm đặc sắc, thu hút được du khách.
“Tuy nhiên, hiện nay khu vực vẫn chưa đồng bộ trong các điều kiện hướng về du lịch xanh (rác, giảm thiểu dùng đồ nhựa, etc), chưa có các hoạt động thể thao biển chỉnh chu. Vì vậy, địa phương nên đề xuất tỉnh xem xét sớm quy hoạch và triển khai lại hoạt động thể thao biển để khách du lịch có thêm trải nghiệm tại đây”, bà Phạm Quế Anh nói.
Tại một Hội nghị về du lịch biển đảo, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ du lịch thể thao Cầu Vồng Biển cho rằng công tác quy hoạch, cấp phép hoạt động đối với một số môn như Ca nô kéo dù bay, phao kéo, đi bộ dưới đáy biển, thuyền buồm,... của đơn vị đang gặp một số vướng mắc. Vì vậy, vị này kiến nghị tỉnh Quảng Nam cần ban hành các văn bản có liên quan để tạo điều kiện khai thác phát triển dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước một các hiệu quả hơn và có thể cạnh tranh với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Khánh Hoà,....
Ở góc độ quản lý, ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho rằng các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan chưa nhiều, thể thao biển chưa được phát triển,... Cùng với đó, hoạt động phát triển du lịch biển của cộng đồng còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết, thiếu đầu tư. Những bất cập về quy hoạch, hạ tầng du lịch biển chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ,... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch.
Theo các doanh nghiệp, du lịch thể thao sẽ thu hút được lượng lớn du khách có khả năng chi tiêu cao, sử dụng nhiều dịch vụ, đóng góp đáng kể vào doanh thu địa phương và giúp địa phương khắc phục tính mùa vụ của du lịch. Bên cạnh đó, du lịch thể thao cũng là kênh xúc tiến, quảng bá điểm đến hữu hiệu, thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và định hướng dài hạn để xây dựng, nâng cấp hạ tầng, cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đủ đáp ứng đòi hỏi của loại hình du lịch này. Đồng thời, cần có chiến lược quảng bá sớm, bài bản cũng như sự năng động để gia tăng cơ hội đăng cai nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế.
Có thể bạn quan tâm