Việt Nam đang tiếp cận nhanh chóng với công nghệ để phát triển du lịch số, du lịch thông minh. Xu hướng này sẽ kích thích sự tăng trưởng và phát triển bền vững của du lịch Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã ảnh hưởng mạnh mẽ, mang tới lợi ích cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có du lịch. Đây cũng là xu hướng không thể đảo ngược nếu muốn phát triển bền vững.
Với vai trò là đơn vị đầu mối trong lĩnh vực chuyển đổi số du lịch, thời gian qua Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - Trung tâm Thông tin du lịch tập trung xây dựng các nền tảng số ở tầm quốc gia để hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc, khắc phục tình trạng tràn lan, không thống nhất các ứng dụng, website du lịch.
Các nền tảng số cốt lõi hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch gồm: Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, hệ thống Báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở, hệ thống dashboard thông tin điều hành du lịch, ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, nền tảng “Quản trị và Kinh doanh du lịch”, Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia, hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multimedia-guide)...
Bên cạnh đó, Trung tâm đã phát triển các kênh truyền thông số hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trên website https://vietnamtourism.gov.vn, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài trên website https://vietnam.travel và các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Viber, Instagram…
Các địa phương, doanh nghiệp đã rất tích cực thực hiện chuyển đổi, phát triển du lịch số, du lịch thông minh. Tiêu biểu là các địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.
Với Sở du lịch Hà Nội, thời gian qua, Sở đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ của ngành du lịch, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho người dân và khách du lịch.
Có thể kể tới việc tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của TP; bổ sung thêm ngôn ngữ (6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn), vận hành và thường xuyên nâng cấp trang web du lịch Hà Nội để tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; chia sẻ dữ liệu cùng các đơn vị công nghệ phát triển các ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch
Cùng với đó là việc triển khai số hóa các điểm đến du lịch bằng công nghệ 360, FLYMCAM, 3D nhằm mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các khu, điểm du lịch đến với du khách. Đến thời điểm hiện tại, đã có 27 đơn vị điểm đến trên địa bàn TP Hà Nội triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng truyền thông mới như: Facebook, Youtube, Tiktok, cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến… Đây là phương pháp truyền thông mới phù hợp với xu hướng mới của thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành du lịch phải tăng cường hơn nữa công tác tiếp thị số ra nước ngoài, tập trung vào thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp. Việc này là để thu hút khách đến, giữ chân khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và các sản phẩm du lịch Việt Nam đến được với du khách 5 châu.
Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam cũng đề cập đến việc đổi mới, đa dạng các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; triển khai đa dạng, linh hoạt hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, giai đoạn, kết hợp hiệu quả giữa hình thức quảng bá truyền thống và hiện đại...
Có thể bạn quan tâm
03:00, 11/10/2023
03:00, 10/10/2023
03:00, 09/10/2023
16:58, 08/10/2023
02:00, 08/10/2023