"Liêm chính là một phần trong sứ mệnh của doanh nghiệp. Liêm chính có thể không giúp doanh nghiệp đi nhanh được nhưng doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững".
Đó là chia sẻ của ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Lễ ra mắt bộ tiêu chí: Liêm chính trong kinh doanh cho Nhà đầu tư và Doanh nghiệp khởi nghiệp diễn ra chiều nay (30/7).
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từ năm 2003. Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban ngành cùng các địa phương và các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc.
Nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2020 và dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam, với sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Anh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức: Lễ ra mắt bộ tiêu chí: Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư chia sẻ về những điều kiện kinh doanh liêm chính trong thẩm định đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần biết và chuẩn bị để thỏa mãn các điều kiện về kinh doanh liêm chính từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư và các hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, buổi ra mắt là một nội dung quan trọng trong chuỗi các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp liêm chính mà Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo của VCCI phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam đang triển khai dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam” với sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Anh.
Sự hợp tác của VCCI và UNDP về triển khai các hoạt động liên quan kinh doanh liêm chính tạo sự bền vững cho doanh nghiệp đã diễn ra từ lâu.
Cách đây 6 năm, Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 9966 ngày 12/12/2014 về thúc đẩy thực hiện kiêm chính trong kinh doanh, VCCI đã triển khai chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh để khuyến khích mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác thực hiện liêm chính trong kinh doanh, vượt qua các rào cản, rủi ro từ tham nhũng, hướng tới tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.
Theo đó, VCCI đã triển khai tiểu dự án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng" do Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế Vương Quốc Anh. Nằm trong dự án Thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch tại các nước ASEAN, giai đoạn 2018 - 2021, UNDP cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI triển khai hợp phần mới “Thúc đẩy kinh doanh minh bạch cho các doanh nghiệp mới”.
Dự án đã tạo sự đột phá khi hướng tới sự tập trung vào các đối tượng mới là các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp trong đó, án tập trung vào 3 nội dung chính: Thứ nhất, tập huấn khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính; thứ hai bộ công cụ kinh doanh liêm chính (cho nhà đầu tư và doanh nghiêp khởi nghiệp); thứ ba, chatbot khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính.
"Buổi lễ ra mắt bộ tiêu chí (hay còn gọi là bộ công cụ) hôm nay nằm ở nội dung thứ hai", ông Thành cho biết.
Theo Tổ chức minh bạch thế giới ghi nhận chỉ số cảm nhận về tham nhũng CPI tăng 4 điểm trong năm qua đã cho thấy sự phát triển tích cực của Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng trong những năm qua. Tuy nhiên, trên thang điểm 0 (tham nhũng mạnh nhất) tới 100 (không có tham nhũng) thì Việt Nam vẫn thuộc 2/3 các quốc gia trên thế giới nằm dưới 50 điểm. Điều này cho thấy tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam. Tham nhũng tạo rủi ro lớn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là lý do vì sao cần phải kinh doanh liêm chính.
Theo Phó chủ tịch VCCI, năm 2020 là năm đầu tiên Chương trình khởi nghiệp quốc gia đưa nội dung liêm chính vào giảng dạy tại các khóa đào tạo. Cách đây 2 tuần tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức thành công khóa đào tạo: “Khởi nghiệp liêm chính và đổi mới sáng tạo” dành cho đối tượng học viên tham dự là người điều hành của các doanh nghiệp mới, start-up.
Sau khi lớp học kết thúc, các thành viên trong lớp đã tiến hành lấy ý kiến khảo sát và đề nghị thành lập Câu lạc bộ Kinh doanh liêm chính. Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ cũng đang rất quan tâm đến liêm chính, minh bạch trong kinh doanh.
"Ngày hôm nay, VCCI cùng UNDP tổ chức Lễ ra mắt bộ tiêu chí về kinh doanh liêm chính sẽ đáp ứng được sự quan tâm và mong chờ từ nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp", Phó chủ tịch VCCI cho biết.
Ông Sam Wood - Phó tổng lãnh sự kiêm Trưởng bộ phận Thương mại & Đầu tư, Tổng lãnh sự quán Anh tại TP. HCM cho biết: Năm 2020 là thời điểm rất thuận lợi đối với Việt Nam với tư cách là chủ tịch ASEAN. Với vai trò đó, Việt Nam đã xác định rằng tăng cường hội nhập và kết nối khu vực theo hướng bao quát và bền vững đã được xác định là ưu tiên hàng đầu. Cam kết này thậm chí còn quan trọng và cấp bách hơn đối với các quốc gia ASEAN trong bối cảnh các quốc gia đều tập trung phục hồi kinh tế sau Covid-19.
"Khi Vương quốc Anh trở thành đối tác của Diễn đàn đối thoại ASEAN, chúng tôi rất vui mừng được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam không chỉ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế mà còn là hợp tác với Việt Nam dưới cương vị chủ tịch của ASEAN", ông Sam Wood nói.
Cảm kích trước sự hỗ trợ của Việt Nam đối với một số hoạt động đối tác đối thoại với ASEAN cũng như hợp tác song phương giữa Anh và ASEAN, Phó tổng lãnh sự kiêm Trưởng bộ phận Thương mại & Đầu tư, Tổng lãnh sự quán Anh tại TP. HCM cho biết cũng trong khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế ASEAN, Đại sứ quán Anh đang hợp tác chặt chẽ với UNDP và VCCI để chuẩn bị cho một phiên họp về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) như một phần trong Hội nghị thượng đỉnh đầu tư ASEAN sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm nay.
Đây được xem là một diễn đàn dành cho các doanh nghiệp trong khu vực nhằm thảo luận về các vấn đề xuyên suốt ảnh hưởng đến hoạt động của họ trong thế giới hiện đại. Tăng cường ESG và các vấn đề phát triển bền vững có thể có tác động đáng kể đến hiệu quả tài chính của một doanh nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh và do đó ảnh hưởng đến giá trị của các khoản đầu tư.
Theo ông Sam Wood, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Việt Nam có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp, trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 Đông Nam Á. Tuy nhiên, những công ty mới thành lập, công ty khởi nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. "Tôi hy vọng Bộ công cụ khởi nghiệp liêm chính sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp hiểu và có định hướng vượt qua khó khăn", ông Sam Wood kỳ vọng.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng cho biết: Doanh nghiệp mới, trong đó có nhóm khởi nghiệp, phần lớn là do người trẻ thành lập, 55% nằm trong độ tuổi 18-34. Việc điều hành doanh nghiệp, trong đó gồm việc xử lý thủ tục hành chính, thực hiện chính sách thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… là những công việc đầy thách thức. Nếu không có năng lực, kinh nghiệm và kết nối, rất dễ khiến các startup dựa vào những phương cách phi chính thức, không liêm chính.
"Song, chúng tôi tin rằng thế hệ doanh nhân trẻ đều mong muốn không phải sử dụng đến các biện pháp phi chính thức đó để được việc" - bà Caitlin Wiesen chia sẻ.
Theo một khảo sát năm 2019, đa phần người trẻ cho rằng, tham nhũng và thiếu liêm chính gây tổn hại tới thế hệ trẻ, tới nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có tới 3 phần 4 số người trẻ cho biết họ không biết hoặc biết rất ít chuẩn mực về liêm chính và pháp luật phòng, chống tham nhũng.
"Đây cũng là một lý do chúng ta gặp nhau ở đây ngày hôm nay, cùng nhau ra mắt Bộ công cụ Liêm chính trong kinh doanh dành cho nhà đầu tư và doanh nghiệp mới. Chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư sẽ sử dụng bộ công cụ này, nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình thẩm định đầu tư.
Bên cạnh đó, tôi cũng rất muốn khuyến khích các doanh nghiệp mới dùng bộ công cụ này để tự đánh giá trước khi gặp gỡ với nhà đầu tư", bà Caitlin Wiesen cho biết.
Bà Nguyễn Phi Vân – Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo – Tác giả của Bộ Công cụ, chia sẻ: Bộ Tiêu chí ứng dụng kinh doanh liêm chính dành cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp là rất quan trọng.
"Như vậy, mình cần gì ở startup? Các doanh nghiệp mình đầu tư vào liệu họ có sẵn sàng kinh doanh liêm chính hay chưa? Nếu chưa thì làm thế nào? Đâu là bước đầu tiên để "bắt mạch", hiểu và có biểu đồ rõ ràng trên thang kinh doanh liêm chính, và cần làm gì để nhà đầu tư hài lòng để sẵn sàng đầu tư?", bà Vân đặt câu hỏi dưới góc độ nhà đầu tư.
"Kinh doanh liêm chính không phải là phần làm tốt hay không đều không sao mà các bạn startup cần nghĩ rằng đó là huyết mạch cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mình", bà Vân nói.
Sau khi làm việc cùng khoảng 10 quỹ đầu tư, bà Vân cho rằng vấn đề kinh doanh liêm chính là "nỗi đau" lớn nhất, chỉ tiêu quan trọng nhất khi thẩm định đầu tư của doanh nghiệp khởi nghiệp".
Theo bà Vân, Quỹ đầu tư VC có một hệ thống thẩm định đầu tư rất bài bản và tiến hành sát sao vấn đề này chỉ có quỹ đầu tư sớm và các nhà đầu tư thiên thần chưa có hệ thống bài bản hơn để thẩm định. Bộ công cụ sẽ bổ trợ lớn cho các nhà đầu tư chưa có hệ thống và công cụ để bắt tay vào thẩm định đầu tư về kinh doanh liêm chính. Ứng dụng kinh doanh liêm chính dành cho các nhà đầu tư, vườn ươm, công ty tăng tốc và các chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Việt Nam.
"Nếu chúng ta nói với các bạn startup khi mới chuẩn bị startup về kinh doanh liêm chính thì chắc chắn các bạn sẽ làm sổ sách, xây dựng quy trình, xây dựng tổ chức, đưa ra quy định, xây dựng công ty sẽ hoàn toàn khác", bà Vân nói.
Tại Việt Nam, có rất nhiều sartup khi thẩm định đang ở trong tình trạng "be bét" bởi chỉ lo làm sản phẩm, giải pháp để đưa sản phẩm ra thị trường còn các vấn đề khác như nội bộ (nguyên tắc về thu mua về khách hàng), quy tắc, văn hóa, báo cáo thuế… bị bỏ qua một bên. Bởi vậy nên khi starup các bạn cứ làm và cứ sai dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả lớn nhất là khi các nhà đầu tư nhìn vào sổ sách, tổ chức sẽ rất "ngán ngẩm" vì phải mất nhiều thời gian làm lại sổ sách và xây dựng lại hệ thống. Nhiều khi dẫn tới chỉ mua sản phẩm chứ không mua công ty. Do đó, Bộ tiêu chí này sẽ giúp doanh nghiệp làm đúng ngay từ đầu", bà Vân nói và cho rằng để làm được điều này cần phải chia ra thành 3 phần: định hướng đạo đức cá nhân; chất lượng hệ thống quản lý; hiểu biết và tuân thủ pháp luật.
Cũng theo bà Vân, quản lý là vấn đề lớn nhất đối với startup Việt Nam. "Các bạn hoàn toàn không quan tâm, chỉ lo phát triển sản phẩm và giải pháp. Nếu không có sức mạnh của quản lý không thể tăng quy mô, không thể nói chuyện với nhà đầu tư. Vì vậy các bạn cần có lộ trình để đi lên kinh doanh liêm chính. Kinh doanh liêm chính là điều kiện tiên quyết nhà đầu tư nhìn vào 1 startup", bà Vân kết luận.
Ông Trương Thanh Hùng - Chuyên gia cố vấn về đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), đồng sáng lập – điều hành FiNNO Venture - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng: Nói đến startup là hành trình mang cái mới giá trị cho xã hội. Kinh doanh truyền thống là tạo sản phẩm, marketing bán cho thị trường. Startup tìm kiếm vấn đề xã hội và giải quyết một cách ưu việt. Tiền sẽ là phần thưởng cho việc đó. Mục tiêu của 4.0 không phải hướng đến lợi nhuận mà hướng đến giá trị chia sẻ và bền vững.
"Hành trình khởi nghiệp rất lâu dài, cần người đồng hành. Sự liêm chính là giá trị đầu tiên để tìm founder. Đơn cử, một doanh nghiệp đưa sản phẩm dược liệu ra thị trường. Và sản phẩm này chưa được công nhận là dược phẩm nhưng vẫn ra thị trường với nhãn dược liệu. Như vậy, đây chính là kinh doanh không liêm chính và kết quả của vấn đề này sẽ mau chóng bị phát hiện và gây ra nhiều thảm họa", ông Hùng nói và khẳng định: "Liêm chính ngay từ khi khởi nghiệp sẽ ngăn chặn các sai phạm có thể xảy ra. Nếu không tất cả những tổn thất do không liêm chính đều do startup gánh chịu", ông Hùng nói.
Ông Đức Nguyễn - Sáng lập và Điều hành Công ty Hekate: Có 2 phần liêm chính trong doanh nghiệp đó là: mô hình quản trị và nhóm đội ngũ lãnh đạo.
Về mô hình quản trị, hiện Hakete đang sử dụng kế hoạch phẳng, tinh gọn. Và điều này đòi hỏi là “cần chính trực, tinh thần khởi nghiệp, duy trì phong thái nói là làm”.
Về đội ngũ lãnh đạo ông Đức Nguyễn cho rằng Team founder rất quan trọng. Khi làm việc mọi thứ đều phải ghi xuống. Người sáng lập phải là người ăn miếng bánh sau cùng, nhận lương sau cùng trong lúc khó khăn nhất. Do đó, Nếu giải quyết được 2 vấn đề thì sẽ giải quyết được vấn đề liêm chính, chính trực.
Trong quá trình làm việc sẽ phát sinh nhiều vấn đề với đối tác. Phải duy trì sự uy tín, minh bạch (báo giá khác nhau với các đối tác khác nhau là không minh bạch), tuân thủ luật pháp (kênh giá).
Có thể bạn quan tâm
Ra mắt Bộ tiêu chí Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp
14:19, 30/07/2020
TRỰC TIẾP: Lễ ra mắt Bộ tiêu chí "Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp"
13:50, 30/07/2020
Ra mắt Bộ tiêu chí Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp
13:30, 30/07/2020