Thúc đẩy kinh tế đêm tại Hội An

TUẤN VỸ 25/05/2024 06:27

Dù được phê duyệt phát triển kinh tế ban đêm từ lâu, tuy nhiên đến nay TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa phát triển đủ các dịch vụ, hạ tầng,... cần thiết để phục vụ mục tiêu này.

>>Cần gì cho kinh tế đêm Quảng Nam?

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó có TP. Hội An. Thực hiện Quyết định trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan tham mưu, đề xuất phương án triển khai hành động.

Tuy nhiên, tại thời điểm trên cả nước đang bùng phát dịch bệnh Covid-19, tỉnh Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đặc biệt đối với các ngành, khu vực địa điểm phát triển du lịch, dịch vụ như Hội An, Mỹ Sơn. Vì vậy, việc phát triển kinh tế đêm tại Quảng Nam đến nay vẫn chưa vẫn chưa có những hoạt động cụ thể, phần lớn chỉ manh nha ở một số doanh nghiệp tự thành lập.

Tại Nghị Quyết số 31 của Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã nhấn mạnh Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thành phố Hội An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, công tác quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp yêu cầu của sự phát triển.

Vẫn thiếu các sản phẩm để phục vụ khách du lịch đến Hội An vào ban đêm.

Hội An vẫn thiếu các sản phẩm để phục vụ khách du lịch đến vào ban đêm.

Vì vậy, Quảng Nam cũng đã xác định mục tiêu đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, hình thành vùng động lực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và gắn kết với phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương liên quan trong quá trình phát triển. Đặc biệt, thành phố Hội An là địa phương đi đầu trong hội nhập quốc tế.

Cụ thể, mục tiêu là xây dựng và phát triển thành phố Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân. Tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại, thành phố sự kiện - lễ hội của tỉnh; xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Cùng với đó, Nghị quyết 31 cũng xác định đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch đường thủy, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch gắn với nghỉ dưỡng, tâm linh, tín ngưỡng, ẩm thực. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm và các dịch vụ, thương mại.

Nói về kinh tế đêm, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay địa phương đã có kế hoạch phát triển các dịch vụ tại phường Cẩm An. Tại đây, theo định hướng sẽ có trung tâm mua sắm, các dịch vụ giải trí, ẩm thực,... để phục vụ khách du lịch và người dân địa phương.

“Kế hoạch đã có từ lâu và thời gian tới địa phương sẽ tiến hành triển khai. Đây cũng là một giải pháp tăng sản phẩm cho ngành du lịch và giảm tải cho khu phố cổ đã quá tải”, ông Sơn cho hay.

Tại khu phố cổ, phần lớn các hoạt động, sản phẩm du lịch thiên về văn hóa.

Tại khu phố cổ, phần lớn các hoạt động đều thiên về tham quan, trải nghiệm văn hóa.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quốc Việt – Giám đốc Santa Sea Villas Hội An đề xuất hình thành sản phẩm mới gồm tour 3 Làng tại khu vực này. Tại từ sẽ tạo được sản phẩm du lịch mới, trong đó lấy Làng chài Tân Thành làm trung tâm do lời thế về hạ tầng để làm điểm tham quan, check-in và các hoạt động trải nghiệm, tương tác trên sông.

“Đồng thời, sẽ tạo vùng kinh tế đêm, khai thác mặt nước, tổ chức các hoạt động thả đèn hoa đăng, chợ nổi đêm trên sông,... nhằm đấp ứng nhu cầu, giữ chân du khách cho Hội An. Đặc biệt, Hội An cần điểm đến mới nhằm giải tải cho phố cổ và rừng dừa Cẩm Thanh. Và khu vực này cũng sẽ tạo vùng, điểm đến kinh tế đêm cho Hội An mà ít ảnh hưởng nhất đến dân cư”, ông Việt nói.

Để phát triển lĩnh vực này, được biết mới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam giao nhiệm vụ cho UBND thành phố Hội An trực tiếp chủ trì, thực hiện để kịp thời tiếp thu, học hỏi các định hướng, chính sách và kinh nghiệm phù hợp để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án kinh tế ban đêm tại địa phương. Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh các khó khăn, vướng mắc, đề nghị UBND thành phố Hội An tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.

Trong năm 2023, tổng lượng khách đến Hội An đạt khoảng 4.152.796 lượt, tăng 107,42% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đón 3.207.422 lượt và khách nội địa đạt 945.374 lượt, đạt 72,69% so với năm 2022.

Có thể bạn quan tâm

  • Bao giờ Quảng Trị “hái quả ngọt” kinh tế đêm?

    Bao giờ Quảng Trị “hái quả ngọt” kinh tế đêm?

    00:30, 06/01/2024

  • Gia Lai: Tạo bản lề cho mô hình kinh tế đêm

    Gia Lai: Tạo bản lề cho mô hình kinh tế đêm

    08:04, 06/12/2023

  • Vĩnh Phúc: Tiềm năng phát triển kinh tế đêm ở Vĩnh Tường

    Vĩnh Phúc: Tiềm năng phát triển kinh tế đêm ở Vĩnh Tường

    16:12, 10/11/2023

  • Thu hút doanh nghiệp, phát triển kinh tế đêm Tây Nguyên

    Thu hút doanh nghiệp, phát triển kinh tế đêm Tây Nguyên

    10:26, 31/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy kinh tế đêm tại Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO