Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 08/11/2023 05:10

Mặc dù có vai trò và tiềm năng lớn, thế nhưng, việc khai thác, phát triển ngành công nghiệp cơ khí được cho vẫn chưa đạt như kỳ vọng dù đã có không ít chủ trương, chính sách được ban hành…

>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ngành công nghiệp cơ khí với lịch sử lâu đời, không chỉ tạo ra bước nhảy vọt về công cụ lao động góp phần vào tăng năng suất lao động cho các ngành kinh tế, mà còn được xem là “mảnh đất vàng” giàu tiềm năng. Bên cạnh những thành quả đã và đang đạt được, việc khai thác và phát triển của ngành này vẫn được cho chưa đạt như kỳ vọng.

Nhiều chủ trương, chính sách…

Theo đó, xác định cơ khí chế tạo là ngành trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26/12/2002 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020. Ngày 17/10/2003, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 25/KL-TW về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó nhất trí với các nội dung tại Chiến lược phát triển ngành cơ khí của Chính phủ tại Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg.

Xác định cơ khí chế tạo là ngành trọng điểm, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển - Ảnh minh họa

Xác định cơ khí chế tạo là ngành trọng điểm, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển - Ảnh minh họa

Triển khai Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/2003/QĐ-TTg 09/6/2003 thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Đồng thời, nhằm hướng dẫn chi tiết các chính sách, chiến lược cho ngành cơ khí chế tạo, ngày 16/01/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn đến năm 2015. Các Bộ ngành liên quan cũng ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg nêu trên…

Không chỉ có vậy, để tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, xác định quan điểm phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; với trọng tâm là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu khu vực ngoài Nhà nước;…

Đặc biệt, đến ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định công nghiệp cơ khí là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong đó tập trung vào một số ngành như: ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế,…

Từ đó có thể thấy, ngành công nghiệp cơ khí đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong hành trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

… phát triển vẫn ì ạch

Không thể phủ nhận những kết quả tích cực từ đóng góp của ngành cơ khí trong những năm qua, tuy nhiên, sự phát triển ngành này vẫn còn đó không ít hạn chế.

>> Vĩnh Phúc: “Mở” chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực cơ khí, ô tô, xe máy

tuy nhiên, sự phát triển ngành công nghiệp cơ khí vẫn còn đó không ít hạn chế - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sự phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong những năm qua vẫn còn đó không ít hạn chế - Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước, các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Đặc biệt, chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành, công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Tính đến hết năm 2017, mặc dù tỷ lệ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cơ khí trên tổng số doanh nghiệp các ngành chế biến chế tạo khá cao (gần 30%), tuy nhiên, tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (hơn 18%).

Các phân ngành cơ khí quan trọng như: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu thủy, thiết bị kỹ thuật điện – điện tử và cơ khí ô tô – cơ khí giao thông vận tải đạt kết quả thấp so với Chiến lược phát triển ngành cơ khí đã đề ra.

Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 – 3 thế hệ. Các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành cơ khí rất hạn chế…

Đánh giá về sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam, ông Dương Toàn Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Citicom cho rằng, ngành cơ khí nước nhà chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng, thậm chí thua trên “sân nhà”. Nhiều dự án, công trình có vốn đầu tư lớn nhưng sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước vẫn khó “chen chân”.

Còn theo đại diện Công ty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng, cả khu vực Nhà nước và tư nhân đều không có doanh nghiệp cơ khí tầm cỡ, có thể dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành phát triển, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Nhìn nhận về thực trạng ngành cơ khí, phát biểu tại Đại hội nhiệm kỳ V (2023-2028) của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Sản phẩm cơ khí Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu trong nước có năng lực cạnh tranh cao, các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ và vừa, năng lực thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí.

Các phân ngành cơ khí quan trọng đạt kết quả còn thấp so với kỳ vọng. Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác, còn lạc hậu so với nhiều nước. Năng lực nghiên cứu, thiết kế của các doanh nghiệp cơ khí trong nước còn hạn chế. Trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành còn chậm đổi mới.

Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng

    05:15, 07/11/2023

  • Weldcom và Cơ Khí Ngãi Cầu ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược toàn diện

    Weldcom và Cơ Khí Ngãi Cầu ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược toàn diện

    14:08, 23/10/2023

  • Phát triển ngành công nghiệp cơ khí: Cần “đòn bẩy” chính sách

    Phát triển ngành công nghiệp cơ khí: Cần “đòn bẩy” chính sách

    17:20, 19/10/2023

  • Vĩnh Phúc: “Mở” chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực cơ khí, ô tô, xe máy

    Vĩnh Phúc: “Mở” chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực cơ khí, ô tô, xe máy

    04:00, 26/09/2023

  • Điểm nghẽn của doanh nghiệp cơ khí

    Điểm nghẽn của doanh nghiệp cơ khí

    02:00, 02/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO