Theo các chuyên gia, hiện nay, các start-up triển vọng nhất đều liên quan hệ sinh thái thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game…
Những lĩnh vực này có dư địa tăng trưởng lớn trong hai đến ba năm tới, vì thế xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển là một trong những nhiệm vụ đang được đặt ra.
>>Startup công nghệ Mỹ lao đao khi môi trường kinh doanh trở nên u ám
Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) năm 2022, lần đầu tiên, làng công nghệ Metaverse được hình thành với mục tiêu định hướng trở thành một cổng kết nối quốc gia cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia, tập đoàn, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức và cá nhân,... trong nước và nước ngoài.
Theo các chuyên gia, Metaverse là khái niệm về vũ trụ kỹ thuật số 3D, trực tuyến, bất tận, kết nối người dùng trong mọi mặt của cuộc sống. Tại đây, người dùng có thể làm việc, học tập, vui chơi, gặp gỡ và giao lưu với nhau thông qua công nghệ thực tế ảo. Metaverse được xem là internet thế hệ mới, thay đổi cách con người sống, làm việc, nhất là trong các lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, quản lý.
>>Apero Game Studio đưa startup công nghệ Việt vươn tầm thế giới
>>Sun* Startups tạo sân chơi cho startup công nghệ giáo dục và công nghệ y tế
Theo Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo như Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Thung lũng Silicon (Mỹ) và nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo khác trên thế giới đã quen thuộc với cụm từ Metaverse. Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên cụm từ Metaverse được xuất hiện trên bản đồ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Làng công nghệ Metaverse được hình thành góp phần thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, công dân số cũng như chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy và khai thác tiềm năng, tận dụng xu thế để góp phần xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.
Trên thực tế, các startup trong nước cũng đang đón đầu xu hướng này. Ông Phạm Anh Tuấn, nhà sáng lập Công ty TNHH Bravezone nhận định, Metaverse sẽ là điểm đến cuối cùng của các công ty công nghệ số trong thế kỷ 21. Ðây là một ngành mới, nhiều lợi thế và tiềm năng, tuy nhiên điều làm Metaverse chưa thật sự phổ biến với đại chúng là giới hạn về công nghệ. Qua đại dịch Covid-19, thế giới hiểu rằng không thể thiếu sự tương tác, và đây chính là một nhu cầu thiết yếu của con người. Những tháng năm giãn cách hay hạn chế đi lại khiến nhu cầu tương tác đã tăng lên một cấp độ mới, và những dịch vụ tương tác như Metaverse lại càng có thêm triển vọng. Công nghệ Metaverse trong tương lai sẽ giúp gia tăng mức độ tương tác của thế giới.
Ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ thêm, Công ty TNHH Bravezone mới đây đã phát triển game Plant Empires, thu hút hơn 100.000 người chơi truy cập mỗi ngày. Plant Empires ứng dụng công nghệ blockchain, tuy nhiên với mong muốn đưa tựa game này tiếp cận với người dùng trên toàn cầu, đội ngũ phát triển của Bravezone đang tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị xúc tiến các phương án phát triển mới, bao gồm cả công nghệ Metaverse. Hiện nay, các công ty công nghệ đều chi hàng tỷ USD mỗi năm cho việc phát triển công nghệ này. Thí dụ, công ty mẹ của Facebook đã đổi tên thành Meta, đó là minh chứng cho việc bứt tốc của công nghệ này trong thời gian tới.
Ông Võ Ðức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Ðà Nẵng), Trưởng làng Metaverse nhận định, làng công nghệ Metaverse được hình thành trong bối cảnh nhiều quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới đã có những đầu tư chiến lược đối với Metaverse, và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng như vậy. Chính vì thế, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia trên cơ sở tập trung, kết nối, xác định làng Metaverse sẽ là cổng kết nối quốc gia, kết nối tất cả các nguồn lực tới startup Metaverse làm trung tâm. Từ đó, sẽ giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, hệ sinh thái Metaverse Việt Nam có thể kết nối rộng ra thế giới. Ðồng thời, tìm kiếm được những dự án Metaverse tiềm năng, triển vọng để phát triển thành những dự án lớn của quốc gia. Làng Metaverse với nhiệm vụ tiên phong lan tỏa, góp phần đưa công nghệ thực tế ảo từng bước ứng dụng vào cuộc sống. Ðồng thời, kết nối startup Việt Nam với quốc tế và tiếp cận với những nền tảng công nghệ mới nhất, bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu và tạo ra được giá trị mới trong lĩnh vực công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam.
Kỳ vọng vào các startup ứng dụng công nghệ mới, Tiến sĩ Phạm Hồng Quất cho rằng, trong năm 2021, Việt Nam đã đón chào sự xuất hiện của hai "kỳ lân" công nghệ mới là Momo (được định giá 2 tỷ USD) và Sky Mavis (được định giá 3 tỷ USD). Như vậy, Việt Nam đã có bốn "kỳ lân" công nghệ; trên bản đồ khu vực, Việt Nam đứng thứ ba, xếp sau Singapore và Indonesia về số lượng "kỳ lân" công nghệ. Dù có thể không phải tất cả nhưng một số công ty triển vọng lĩnh vực thương mại điện tử, fintech, logistics… có thể lớn mạnh vươn mình trở thành các "kỳ lân" tiếp theo. So với các startup trong những lĩnh vực khác, các startup dựa trên công nghệ không đòi hỏi quá nhiều vốn ban đầu, chủ yếu dựa vào những ý tưởng mới và có tính sáng tạo, có thể dễ dàng kết nối toàn cầu thông qua công nghệ và làm cho các ý tưởng có thể dễ tiếp cận hơn cũng như dễ học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới.
Ðể thúc đẩy công nghệ mới, năm 2022, làng Metaverse tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Metaverse, tham dự diễn đàn toàn cầu Metaverse tại Hàn Quốc, chương trình tọa đàm hằng tháng về Metaverse, gây dựng Quỹ học bổng Metaverse tài trợ cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ về kinh tế số, blockchain...
Có thể bạn quan tâm