Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh

MINH CHÂU 10/07/2024 16:38

Chuyển đổi xanh giờ không còn được xem là một xu thế mà đang được các nước nhìn nhận và đánh giá là một điều tất yếu nếu các nước muốn phát triển, tham gia sân chơi toàn cầu.

>>Doanh nghiệp vừa và nhỏ có phụ nữ làm chủ chiếm hơn 20% tại Việt Nam

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Công ty cổ phần Chứng khoán VPS tổ chức hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh". Sự kiện có gần 100 đại biểu, đại diện các cơ quan bộ ngành, VCCI, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các hiệp hội và đông đảo doanh nghiệp tại Tp Hà Nội và các tỉnh lân cận tham gia thảo luận, trao đổi.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Empower: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuyển đổi xanh" do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tài trợ. Thông qua hội thảo, các diễn giả đã cung cấp tới doanh nghiệp những thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật, cách thức thúc đẩy tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chia sẻ các chương trình và giải pháp, sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nữ trong chuyển đổi xanh và bài học kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ và doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi công bằng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC)

Bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) phát biểu khai mạc hội thảo.

Khai mạc hội thảo, bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) cho biết, chuyển đổi xanh giờ không còn được xem là một xu thế mà đang được các nước nhìn nhận và đánh giá là một điều tất yếu nếu các nước muốn phát triển, tham gia sân chơi toàn cầu. Cùng với nỗ lực chung Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, nguồn lực để có thể từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và bền vững.

Tuy nhiên, để hiện thực hoá mô hình này đòi hỏi các doanh nghiệp trước hết là phải có sự thay đổi về nhận thức của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, tiếp đó là từng bước thực hiện "chuyển đổi xanh" trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh như đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới giảm tiêu hao năng lượng; thay đổi quy trình sản xuất, vận hành; tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh… Đây chắc chắn cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ quy mô siêu nhỏ, nhỏ hạn chế về các nguồn lực như vốn, công nghệ và năng lực quản trị.

Hội thảo cung cấp những thông tin cơ bản về các phương pháp để chuyển đổi xanh, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp giải pháp về công nghệ, tài chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng nhau chia sẻ thông tin, và thảo luận về các sáng kiến, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo nói riêng trong quá trình chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bà Diệu Huyền nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm hơn 95% tổng số các doanh nghiệp, đóng góp khoảng 45% GDP của cả nước vào năm 2022. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi và chuyển dịch xanh gồm 3 giai đoạn: chuyển đổi trong sản xuất, chuyển đổi trong tiêu dùng và chuyển đổi trong thải bỏ. Chuyển đổi xanh đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) không thể đứng ngoài cuộc. Sức chịu tải của trái đất là hữu hạn, nên cần phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế phù hợ hay chuyển đổi xanh có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chuyển đổi xanh vừa là thách thức và là cơ hội. Việt Nam chưa thực sự có chính sách cụ thể về Chuyển đổi xanh mà được lồng ghép vào các chính sách biến đổi khí hậu hay chuyển đổi năng lượng công bằng.

Chuyển đổi xanh chỉ mang lại tác động khi được triển khai ở quy mô lớn, có tính bao trùm và hệ thống - để thấy rõ được lợi ích, lĩnh vực công (mua sắm công xanh) cần tạo lực đẩy để lĩnh vực tư tham gia. Chuyển đổi xanh vừa là quá trình, vừa là mục tiêu. Vì vậy, cần thường xuyên đánh giá, giám sát để có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời. Mục tiêu chuyển đổi xanh phải được thực hiện trong sản xuất, tiêu dùng và loại bỏ

Để đạt được mục tiêu bao trùm, công bằng trong quá trình chuyển đổi công xanh cần có các chỉ tiêu, chỉ số giám sát đánh giá cụ thể đối với các khía cạnh như kinh tế, môi trường và xã hội.

Bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Khối trải nghiệm khách hàng, Công ty CP Chứng khoán VPS, chia sẻ, để hiện thực hóa quyền bình đẳng cho giới nữ nói chung và hỗ trợ các nữ chủ doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi xanh nói riêng, VPS đã đề ra một chiến lược toàn diện với lộ trình dài hạn và các hoạt động đa chiều.

Bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Khối trải nghiệm khách hàng, Công ty CP Chứng khoán VPS

Bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Khối trải nghiệm khách hàng, Công ty CP Chứng khoán VPS chia sẻ tại hội thảo.

Trong đó, "4 trao" được doanh nghiệp triển khai, thực hiện.

Bao gồm, thứ nhất là trao quyền: Khuyến khích và hỗ trợ nữ doanh nhân đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cộng đồng kinh doanh, thúc đẩy sự cân bằng giới trong các vị trí quản lý và điều hành.

Thứ hai là trao cơ hội: Tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do nữ giới làm chủ; cung cấp các chương trình tư vấn và hỗ trợ tài chính, giúp nữ chủ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư và các cơ hội thị trường mới.

Thứ ba là trao kiến thức: Cung cấp các chương trình đào tạo và cố vấn để trang bị cho nữ doanh nhân những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong quản lý và phát triển doanh nghiệp bền vững, từ đó giúp họ nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức.

Thứ tư là trao môi trường: Xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng và thân thiện; tạo lập mạng lưới kết nối giữa các nữ chủ doanh nghiệp để cùng chia sẻ, hỗ trợ và phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về những khó khăn của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chuyển đổi xanh; các chương trình, giải pháp, sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo để nâng cao năng lực và kết nối với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, ngân hàng, tổ chức tài chính có chương trình tài chính xanh, chương trình tài chính, phi tài chính dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ có phụ nữ làm chủ chiếm hơn 20% tại Việt Nam

    11:54, 17/04/2024

  • Cơ hội mới cho phụ nữ

    01:02, 15/04/2024

  • Nâng cao trách nhiệm của phụ nữ khu vực phi chính thức trong việc ngăn ngừa ô nhiễm rác thải

    15:20, 16/03/2024

  • Phụ nữ khởi nghiệp: Con đường không trải "hoa hồng"

    12:23, 08/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO