“Ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4500 tỷ USD vào năm 2030".
Đó là nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBCSD tại Chương trình thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" do Hội đồng Doanh nghiệp về sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức sáng ngày 17/4.
Đây là hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019. Theo đó, các kiến nghị từ hội thảo sẽ được tổng hợp để báo cáo tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2019.
Nền kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong toàn chuỗi giá trị, từ sản xuất tới tiêu dùng và quá trình phục hồi.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, hiện nay, ASEAN là khu vực gặp nhiều thách thức vì các nền kinh tế tại đây đang trong giai đoạn phát triển. Khu vực này cũng là trung tâm sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới.
Do đó, việc ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên.
Chia sẻ cụ thể về tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBCSD cho biết: “Ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4500 tỷ USD vào năm 2030. Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn cũng giúp giảm lượng khí thải CO2, nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới, theo đúng Thoả thuận Paris và những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.
Trước đó, Công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ McKinsey &Company cũng từng nhận định rằng: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo tác động tích cực cho môi trường & xã hội mà còn giúp Châu Âu tạo ra giá trị kinh tế lên đến 1.8 triệu Euro vào năm 2030”.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 14/02/2018
06:40, 06/02/2018
11:54, 23/01/2018
17:04, 12/10/2017
Trước những tiềm năng to lớn của nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cũng nhận thức được tiềm năng này và ứng dụng vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Trong đó có thể kể đến như, Tập đoàn IKEA sẽ hoạt động hoàn toàn tuần hoàn và thân thiện với môi trường vào năm 2030. Hoặc Tập đoàn Lego cam kết chuyển đổi các sản phẩm nhựa làm từ dầu mỏ sang dầu thực vật.
Nhìn nhận được tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn và sớm triển khai các hoạt đông nghiên cứu và áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp, theo chia sẻ của bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc phát triển bền vững Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho biết: Trong 5 giai đoạn vòng đời của sản phẩm: khai thác tài nguyên, sản xuất, đóng gói + vận chuyển, sử dụng và kết thúc vòng đời. Doanh nghiệp sẽ lựa chọn những giai đoạn phù hợp để áp dụng nền kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, 99.01% sản phẩm và phế liệu trong sản xuất được tái dử dụng hoặc tái chế. Ví dụ như có thể kể đến nước thải sau xử lý, bã hèm. Nước thải đã xử lý được dùng để làm vệ sinh và tưới cây, và nhà máy sản xuất được sản xuất bằng năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, cũng liên quan đến việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn, đại diện Tập đoàn DOW cho biết: “Doanh nghiệp không chỉ tập trung vào sản xuất xanh mà cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tạo cơ hội để họ tiếp cận, nhận diện sản phẩm thân thiện với môi trường qua thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa. Từ đó xây dựng chính sách tài chính, khuyến khích người tiêu dùng thực hiện tiêu dùng xanh”.
Cũng tại chương trình thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã ra mắt nhóm làm việc về nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam, với sự tham gia của đại diện Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, AES-VCM Mông Dương, Công ty TNHH BHNT Prudential Việt Nam, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam.
Chia sẻ về ý nghĩa của nhóm làm việc này, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Đây là nhóm mở, bao gồm các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cùng hợp tác chặt chẽ, nhằm đưa ra các khuyến nghị về mặt chính sách, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn vào sự phát triển, không chỉ có đóng góp về mặt kinh tế, xã hội và mà còn góp phần bảo vệ môi trường”.