Trong định hướng, Đà Nẵng đã xác định thu hút nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hình thành trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
>>“Cú hích” cho ngành bán dẫn Đà Nẵng
Mới đây, mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc và Công ty CP Công nghệ Hekate ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ Nhân tạo Việt - Hàn (VKAI Hub) tại Đà Nẵng, đây được xem là bước đệm để địa phương tiếp tục thu hút doanh nghiệp lĩnh vực này.
Nhiều tiềm năng hấp dẫn doanh nghiệp
Trong bối cảnh hiện tại, nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đà Nẵng đang dần được cải thiện, trong đó có một bộ phận thuộc lĩnh vực chuyên sâu như AI. Từ đây, nhiều công ty công nghệ đang tích tìm kiếm nhân sự và xây dựng đội ngũ với nền tảng này để lập nghiệp ngay tại Đà Nẵng.
Cùng với TP. Hồ Chính Minh, Hà Nội thì Đà Nẵng cũng đang từng bước xây dựng để trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, phát triển lĩnh vực AI của khu vực miền Trung cũng như cả nước. Vì vậy, địa phương này đang tích cực xúc tiến đến các tổ chức để kết nối, hợp tác, đẩy mạnh thương mại hóa, thu hút đầu tư vào các các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế, thành phố thông minh,...
Theo ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng định hướng phát triển của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”. Trong đó, ông Minh cho hay một trong 05 lĩnh vực được ưu tiên phát triển là Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
"Thành phố có nhiều thế mạnh và đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và chính sách ưu đãi để chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng. Đà Nẵng hiện đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có trí tuệ nhân tạo đến triển khai dự án tại thành phố. Nhà đầu tư có thể triển khai dự án của mình tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, khu công nghệ cao duy nhất ở miền Trung - Tây Nguyên, một trong 03 khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia. Thành phố cũng có nhiều khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư”, ông Hồ Kỳ Minh nói về các lợi thế.
Cũng thông tin thêm, ông Minh cho hay Đà Nẵng quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nhân lực đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng. Cụ thể, địa phương đã ban hành Kế hoạch Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 với nhiều giải pháp quyết liệt, tăng cường nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển.
Phương án nào để thu hút đầu tư?
Đối với công tác thu hút đầu tư, Đà Nẵng luôn khẳng định có nhiều điều kiện phát triển lĩnh vực AI trên với hạ tầng và chất lượng nhân lực tốt, hệ thống Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung được đầu tư bài bản. Cụ thể, tại Khu công nghệ cao có Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất (R&D), nhà máy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) Fujikin Đà Nẵng, 3 khu công nghệ thông tin tập trung có lực lượng nhân sự trình độ cao,…
Ông Nguyễn Quang Phước - Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc thông tin đơn vị đang nghiên cứu tiếp cận quy trình duyệt cấp visa nhanh của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Trung tâm Di trú Khởi nghiệp toàn cầu Hàn Quốc (OASIS) dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Đà Nẵng. Cũng theo ông Phước, đơn vị đang xúc tiến để kết nối nghiên cứu hợp tác đào tạo AI giữa các trường Đại học Hàn Quốc và Đà Nẵng và kêu gọi đầu tư AI từ Hàn Quốc vào Đà Nẵng.
“Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ làm cầu nối giữa Chính phủ 2 nước, đồng hành cùng UBND TP. Đà Nẵng để mời các doanh nghiệp Hàn Quốc về đào tạo nhân lực sản xuất chip bán dẫn tại địa phương”, ông Phước thông tin.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Huy - Giám đốc Công ty TNHH Rainscales Việt Nam đề xuất địa phương nên tạo ra các bài toán xã hội cần giải quyết bằng AI và có tài chính chi trả cho các đơn vị cung cấp các giải pháp AI. Cùng với đó, ông Huy cũng cho rằng Đà Nẵng cần mời gọi các “mỏ neo” lớn, các nhà đầu tư mạnh về AI đến địa phương để làm ăn.
“Song song với đó là liên tục có các cuộc hội thảo học thuật về AI ở Đà nẵng để tạo tiếng vang trên các thị trường tiềm năng. Xây dựng một đội ngũ tìm kiếm khách hàng, bài toán, …. phù hợp với năng lực AI của địa phương. Đồng thời, tăng cường giao lưu, cập nhật các xu hướng mạnh và hiện đại của các mô hình AI tiên tiến nhất trên thế giới như Quantum AI, High Performance Computing,... cho cộng đồng AI địa phương”, ông Huy gợi ý.
Được biết, Đà Nẵng đã ứng dụng AI trong hành chính công, giám sát an ninh, quản lý du lịch. Thời gian tới, địa phương muốn “đặt hàng” các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI giải quyết các bài toán trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa qua VKAI Hub cũng ký kết hợp tác với Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo Hàn Quốc để xây dựng Hệ sinh thái toàn cầu về trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, các đơn vị cũng ký kết hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo như Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo giữa Trung tâm trí tuệ nhân tạo Việt Nam - Hàn Quốc và S-LAB (Thành viên của Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam); xây dựng Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe toàn cầu ứng dụng AI giữa Bệnh viện 199 (Bộ Công an) và Trung tâm nghiên cứu Bệnh viện Cheonan (ĐH Soonchunhyan); xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo đối với lĩnh vực y tế và y tế công cộng (bao gồm cả bệnh lao) giữa VKAI Hub và Trung tâm nghiên cứu Bệnh viện Cheonan và các doanh nghiệp Hàn Quốc… |
Có thể bạn quan tâm