Vì sao chúng ta không đòi hỏi tính tự tôn dân tộc trong các mặt hàng nông sản? Vì sao doanh nghiệp chỉ muốn xuất khẩu thô? Vì sao hễ được mùa là rớt giá? Vì sao thiếu định hướng đến tận từng gốc tiêu?
Hạt tiêu Việt Nam hiện có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 60% nguồn cung toàn cầu, có thể nói hiện tại tiêu Việt Nam vẫn đủ sức cầm trịch cuộc chơi thị trường mậu dịch quốc tế. Thật đáng mừng!
Về nhiều phương diện, Hoa Kỳ là thị trường lớn và quan trọng, tiêu Việt Nam đạt “chuẩn Mỹ” tức là có thể chu du khắp thế giới, có mặt ở 4/5 châu lục. Vài năm trở lại đây sản lượng tiêu Việt Nam tiếp tục tăng, do hiệu ứng tích cực từ nhiều năm trước đó.
Nông dân trong nước ồ ạt phá cà phê trồng tiêu, khó khăn bắt đầu từ đây, sản lượng tăng nhưng giá thành giảm, quy mô ngành tiêu rất lớn nhưng người trồng tiêu bắt đầu lao đao vì hàng rào kỹ thuật.
Cách thức canh tác cây tiêu hiện nay cơ bản không khác chục năm trước, trong khi đó Quốc hội Mỹ yêu cầu Văn phòng đại diện thương mại nước này (USRT) và Uỷ ban thương mại quốc tế (ITC) báo cáo thường niên để kiểm soát thực thi luật và các chính sách thương mại, trong đó có các rào cản kỹ thuật.
Tiêu Việt Nam đang lung lay ở vị trí số một thế giới, và dưới gốc của nó là sự khốn khổ của nông dân: Phá sản vì tiêu rớt giá; chết người vì… tiêu chết!
Nghịch lý bắt đầu xuất hiện, mặc dù đủ sức điều tiết giá tiêu toàn cầu nhưng chúng ta phải dính đòn rớt giá từ thị trường quốc tế. Năm 2017 giá tiêu giảm còn một nửa từ 140 ngàn đồng còn khoảng 70 ngàn đồng/kg.
“Quán tính giá tiêu” vẫn còn nhiều lực trong năm nay, giá rớt khoảng 10 ngàn đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
05:02, 30/08/2018
04:43, 15/08/2018
07:10, 16/07/2018
07:01, 24/07/2018
04:25, 17/07/2018
12:44, 14/05/2018
06:10, 01/03/2018
Một lý do rất cơ bản được đưa ra: “cung vượt cầu”, bản thân “cung - cầu” là một quy luật cơ bản trong kinh tế có hàng trăm năm nay, vấn đề là bài toán cung cầu không phải mới mẻ, nó không phát sinh ra như kiểu những rắc rối xung quanh đồng tiền ảo.
Yếu tố bất ngờ không kịp trở tay hiển nhiên phải được loại bỏ. Hơn một thập kỷ thống trị ngành tiêu, các nhà hoạch định chính sách lẽ ra phải lường trước kịch bản “cung vượt cầu”.
Tại thủ phủ cây tiêu, người nông dân chỉ biết được giá là đua nhau canh tác. Diện tích hồ tiêu năm 2017 đạt 152.000 ha, tăng 17,6% tương đương 22.700 ha so với năm 2016. Sản lượng đạt 241.500 tấn, tăng 11,6% tương đương 25.100 tấn.
Trong khi đó theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ NN&PTNT ký ban hành vào năm 2014, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030 của cả nước diện tích trồng hồ tiêu chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện đã gấp gần 5 lần quy hoạch ban đầu.
Ở nơi được coi là thủ phủ tiêu thế giới bắt đầu biểu hiện những bất ổn có thể trả giá. Bất ổn đầu tiên là “xuất khẩu thô”- đây không chỉ là vấn đề riêng của ngành tiêu, cả mặt hàng chủ lực khác là cà phê mới chỉ chưa đầy 10% sản lượng được chế biến sâu.
Vì sao doanh nghiệp chỉ thích xuất khẩu thô? Nói đúng hơn nhiều doanh nghiệp chỉ muốn làm lái buôn: Đỡ tốn kém vốn đầu tư, tránh rủi ro trước mắt và nhanh có lãi.
Một cuộc họp hồi đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quả quyết: “Một ngành hàng mà Việt Nam chiếm đến hơn 50% sản lượng thế giới nhưng vẫn không chi phối được thị trường, vẫn đứng ở tình trạng bấp bênh như hiện nay thì không cách nào khác là phải tái cơ cấu lại ngành hồ tiêu”.
“Tái cơ cấu” là cụm từ khá phổ biến để khắc phục bất cập trong mọi ngành nghề, nhưng bài toán chất lượng vẫn không thể bỏ qua. Cà phê, tiêu trộn pin gây xôn xao dư luận và Hiệp hội hồ tiêu kết luận là “tác động không lớn”!
Dĩ nhiên là tạp chất gây hại trong sản phẩm không có cửa vào Mỹ hoặc EU, nếu xui xẻo lọt qua thì những “tấm thẻ màu” được rút ra ngay lập tức!. Nhưng đằng sau đó là thái độ của người Việt với một sản phẩm mang tính đại diện hình ảnh quốc gia.
Bảo vệ thương hiệu và uy tín với thế giới không chỉ là công việc của nhà nước, cũng như việc định hướng tầm nhìn ngành tiêu đã thất bại nếu điều đó không có ý nghĩa với người nông dân.
Trách nhiệm bảo vệ thương hiệu sản phẩm phải đi kèm với ý nghĩa về mặt kinh tế. Rằng, người nông dân chịu khó ép mình vào khuôn khổ sẽ mang lại cho họ những gì? Làm sao để họ chịu được cảm giác người khác trồng tiêu có lãi, sao mình không được trồng? Đó lại là trách nhiệm của cơ quan hoạch định chính sách.
Bảo vệ thương hiệu không phải chỉ “hô hào”, “cảnh báo” hoặc một vài ý kiến đậm đặc chuyên môn của chuyên gia. Cái chúng ta thiếu trầm trọng là ý thức kinh doanh, làm sao để đả phá quan niệm lạc hậu “vác chăn chạy theo người”?
Gần đây tôi đọc được bài viết khá hay về khái niệm “doanh nhân dân tộc” khi nói về những tập đoàn lớn. Kinh doanh vì tiền hay vì dân tộc? Vế thứ hai của câu hỏi này nên được đặt ngang hàng với vế đầu tiên.
Vì sao chúng ta không đòi hỏi tính tự tôn dân tộc trong các mặt hàng nông sản? Vì sao doanh nghiệp chỉ muốn xuất khẩu thô? Vì sao hễ được mùa là rớt giá? Vì sao thiếu định hướng đến tận từng gốc tiêu?