Bán hàng Online hiện nay với đội quân bán lẻ có mô hình kinh doanh gọn nhẹ kiểu du kích, nhưng sức tấn công và doanh thu luôn được đánh giá có thể rất khủng.
Shopee, một sàn thương mại điện tử mới ở Việt Nam, có xuất xứ từ Singapore và vừa đổ bộ tới thị trường hơn 90 triệu dân trong thời gian mới đây, đã tiếp cận đội quân bán hàng này trước tiên, và tỏ rõ độ sắc bén của mình với thị trường Việt.
Mua hàng qua truyền miệng
Là một người có tham gia mạng xã hội và “chăm” thể hiện mối quan tâm của mình ở một vài lĩnh vực, hẳn thế nào bạn cũng có lúc “dính” thông một vài cửa hàng, cửa hiệu Online rao bán sản phẩm dịch vụ khi hiện trên news feed - có dòng chữ nho nhỏ gắn bên trên “được tài trợ”.
Trong một lần lướt Facebook, nhìn thấy một “bạn của bạn” rao bán nhiều món đồ thực phẩm Nhật, người viết inbox hỏi thông tin. Bạn trả lời gần như tắp lự, tư vấn dễ thương, giá cả “hạt dẻ” và không quên báo chi phí vận chuyển khi ship cod (COD). “Nếu muốn miễn phí vận chuyển, bạn có thể tìm tên shop của mình và đặt hàng qua Shopee” - Tiên Tiên, chủ shop đồ Nhật trên facebook dặn dò. Và đó là cách mà qua đó người viết biết sau Lazada, Adayroi, Tiki…cũng như nhiều sàn, kênh thương mại điện tử khác ở Việt Nam, còn có một sàn thương mại điện tử gần như “mới toanh” đang tụ họp nhiều shop bán hàng Online từ mạng xã hội.
Mua sản phẩm qua thương mại điện tử thông thường, e ngại lớn nhất của khách hàng là chất lượng. Việc lan truyền thông tin, giới thiệu, marketing qua truyền miệng qua mạng xã hội, nơi chứa đựng cả nguồn tin thật và giả, luôn đạt tốc độ nhanh nhất, sức lan tỏa lớn nhất, nhưng độ tin cậy đôi khi cũng bị giảm thiểu dễ dàng nhất. Làm thế nào để Shopee kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc hàng hóa của các shop bán hàng online, có mở shop trên Shoppee? Ông Pine Kyaw - Giám đốc Shopee Việt Nam cho biết, thông thường để được mở shop trên Shopee, nhà bán hàng sẽ phải mấy thời gian qua quá trình kiểm tra hàng hóa chừng 6 tuần, và khi đạt đến một cam kết hàng hóa nhất định, sẽ được mở “cửa hàng”. Quá trình mua bán giữa các shop và khách hàng là tương tác hai chiều, “chủ sàn” ít can thiệp, trừ khi có người dùng phản hồi thì phía Shopee sẽ đội ngũ kiểm tra chất lượng. “Tính đến nay Shopee gần như rất hiếm nhận được phàn nàn phản hồi của khách hàng” - ông Pine Kyaw nói thêm.
“Cam kết chính hãng”
Tuy nhiên, nếu như chỉ nhắm đến chuyện tạo nền tảng, mở “sàn” phục vụ các cửa hàng Online đến với các “tín đồ mua sắm” Việt, hẳn Shopee sẽ là đơn vị phát triển thương mại điện tử đầu tiên trên thị trường mà market place đúng nghĩa. Trong khi, đây vẫn đã và đang là sở trưởng của những ông lớn đến với Việt Nam từ khá sớm như Lazada. Mà ngay cả Lazada hay Tiki cũng đã và đang “đi hai chân”, vừa phát triển market place vừa bán hàng trực tiếp, trong hành trình tạo dựng thói quen mua sắm và thanh toán điện tử của người Việt. Vì vậy, “từ khóa” của trang TMĐT này chính phát triển “Shopee Mall”, nơi bán hàng chính hãng, là một cách đi mới của sàn thương mại điện tử có xuất xứ từ Singapore và đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á lẫn Đài Loan.
Chia sẻ trong đợt ký kết hợp tác chiến lược với thương hiệu công nghệ Xiaomi và khai trương gian hàng chính hãng Xiaomi tại Shopee Mall, ông Pine cho biết thêm là đây là thành quả xuất phát từ ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong 6 tháng gần đây, nhất là xu hướng tìm kiếm và sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm giá trị cao như điện thoại và phụ kiện điện tử. Như vậy, với bước phát triển hứa hẹn mang tới nhiều sản phẩm công nghệ “giá sốc” ở các đợt Flash-Sale, Shopee có thể sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của những nhà phân phối ngành hàng điện tử tại Việt Nam trong nay mai.
Có một điểm khá thú vị rằng mặc dù “sinh sau đẻ muộn” ở thị trường Việt, nơi mà đã có hàng chục trang TMĐT phải thay tên, đổi chủ và không ít người “phất lên” nhưng cũng lắm kẻ phải tay trắng ra đi, Shopee Mall hiện tại được giới bán hàng Online ưa chuộng bởi chính sách thu hút người bán, khuyến mãi người mua rất “chịu chơi”. Đây có lẽ một trong những trang có chính sách miễn phí vận chuyển, miễn phí vận chuyển đổi trả trong 7 ngày và theo một thông tin riêng, còn là “sàn” mở cửa hàng đang trong giai đoạn miễn phí, chưa chiết khấu đối với các nhà bán hàng.
Chắc chắn Shopee, trực thuộc tập đoàn SEA có trụ sở ở Singapore và đang hiện tại Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Phillippines và nay là Việt Nam, phải đặt tầm nhìn xa và chấp nhận đầu dài hơi ở thị trường này, và đây chính là giai đoạn “làm” thị trường cần nhất cho sự tăng tốc. Và dĩ nhiên, như mọi trang TMĐT khác, hầu hết đều ít công bố số vốn họ phải ra giai đoạn đầu tư khi "nuôi" thị trường. Nhưng chắc chắn một điều sẽ không có doanh nghiệp nào "nuôi" không mà không tính điểm hòa vốn, thu lời.
“Năm 2018, TMĐT Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 3%-5%. Mức này khá thấp so với bình quân 7% trên thế giới và tới 14% ở Trung Quốc. Nhưng điều đó cũng có nghĩa thị trường Việt Nam sẽ còn có cơ hội mở rộng, tiến xa hơn, cần sự khai phá tổng lực hơn”. Hãy nghe cách Giám đốc Shopee VN nói về thị trường này để hình dung sự cạnh tranh khốc liệt ở thì tương lai của các nhà bán hàng TMĐT, với lực đầu tư rất mạnh chủ lực là các nhà phát triển TMĐT từ Trung Quốc, nay có thêm Singapore.