Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 50% thị trường hàng xa xỉ toàn cầu vào năm 2025. Các nền tảng bán hàng xa xỉ “second-hand” cũng theo đó mọc lên để chia phần.
Xuất hiện từ năm 2018, Ti’amoo, một nền tảng bán trực tuyến hàng “second-hand” những món đồ hàng hiệu đang ngày một lớn mạnh, và nhăm nhe chiếm lĩnh thị trường nền công nghiệp xa xỉ Trung Quốc.
Trong khi đại dịch COVID đã khiến doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn thế giới giảm 25% trong quý đầu tiên của năm 2020, thì hàng tiêu dùng Trung Quốc vẫn giành được vai trò chủ chốt sau sự phục hồi kinh tế của đất nước.
Theo dự đoán của công ty tư vấn Bain & Company thì nền công nghiệp xa xỉ của Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 50% thị trường toàn cầu vào năm 2025.
Chi tiết hơn, báo cáo cho biết ngành công nghiệp xa xỉ sẽ phục hồi tăng trưởng vào năm 2022, đạt tổng giá trị ước tính là 330 tỷ EUR (404 tỷ USD) vào năm 2025, trong đó 28% sẽ đến từ Trung Quốc đại lục.
Người đã khai sinh cho Ti’amoo là Wang Lin và Liu Jingjie. Trên thực tế, từ 2010, Wang Lin đã nhen nhóm hình thức kinh doanh này khi bán giúp một người bạn những chiếc túi hàng hiệu hiếm khi sử dụng tới.
Nhận thấy lợi nhuận kếch xù từ việc kinh doanh buôn bán đồ cũ của những món đồ hàng hiệu, cô quyết định mở hai cửa hàng truyền thống để thu thập và bán các mặt hàng xa xỉ, một ở Bắc Kinh và một ở Liêu Ninh. Để mở rộng phạm vi tiếp cận của mình, cô cũng đã bán sản phẩm của mình trên Taobao năm 2013 và sau đó, vào năm 2016, cô mở một cửa hàng trực tuyến khác trên nền tảng giao dịch đồ cũ Idle Fish của Alibaba.
Tuy nhiên, chỉ ngay trong năm đó, 2 cửa hàng của cô bị đóng do bị Alibaba liệt vào danh sách bán hàng giả. Lí do đơn giản chỉ là vì sản phẩm bán ra không xác định được đã qua sử dụng hay không nhưng lại bán giá thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm có cùng logo, mặc dù cô đã để rõ là hàng second-hand.
Là một trong những người phụ nữ đầu tiên ở Trung Quốc được cấp Chứng chỉ CHUYÊN GIA THẨM ĐỊNH HÀNG HIỆU từ Nhóm Chứng nhận & Giám định thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, Wang Lin đã áp dụng thành công kiến thức của mình vào Ti’amoo. Nền tảng Ti’amoo cung cấp cho người tiêu dùng khả năng mua trực tuyến hàng cũ đã được chứng nhận.
Người bán cụ thể cung cấp thông tin sản phẩm kèm ảnh, sau khi được chấp thuận, sẽ gửi hàng tới trụ sở công ty thẩm định lần cuối. Wang cho biết, khách hàng cũng có thể đến các cửa hàng của công ty để tự mình kiểm tra các mặt hàng trước khi mua.
Chỉ trong một thời gian ngắn, với đội ngũ 10 chuyên gia thẩm định, Ti’amoo đã mở khoảng 100 cửa hàng tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Trùng Khánh mà phần lớn trong số đó được quản lý theo mô hình nhượng quyền thương mại.
Có thể thấy rằng, với nhu cầu tiêu dùng hàng hiệu, hình thức kinh doanh này dự kiến sẽ phát triển lớn mạnh ở Trung Quốc, mang lại cơ hội lớn cho các nền tảng trực tuyến như Ti'amoo.
Có thể bạn quan tâm